Bạc Liêu:
Sản xuất mùa dịch Covid-19: Chủ doanh nghiệp áp lực, nỗi sợ đè lên vai...
(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chủ nhiều doanh nghiệp cho rằng rất áp lực, lo lắng khi dịch bệnh lây lan, bởi chỉ cần một công nhân sơ suất là cả doanh nghiệp khốn đốn.
Tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với tỉnh Bạc Liêu vào chiều 12/11, nhiều doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, cũng như kiến nghị lãnh đạo tỉnh tháo gỡ trong việc sản xuất kinh doanh giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Văn Diệu, Giám đốc Công ty thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian vừa qua nhiều công ty hoạt động trong sự lo âu rất lớn, ranh giới mong manh trước dịch.
"Công ty có hàng trăm công nhân, có khi chỉ một công nhân lơ là, chủ quan là cả doanh nghiệp khốn đốn", ông Diệu lo ngại.
Liên quan đến Công ty thủy sản Tấn Khởi và Công ty thủy sản Châu Bá Thảo (thị xã Giá Rai) vừa qua xảy ra ổ dịch và đã bùng phát hơn 1.000 ca F0, ông Trần Văn Diệu cho rằng, có thể xem đây là tai nạn, bởi một sơ suất của công nhân thì xảy ra chuyện lớn.
Theo Giám đốc Công ty thủy sản Thái Minh Long, vừa qua vì quá sợ dịch mà có một số công ty đóng cửa, cho công nhân nghỉ. Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu có hàng ngàn người dân từ vùng dịch về quê, việc làm có giải quyết nhưng chưa nhiều, tạo ra áp lực rất lớn cho xã hội liên quan vấn đề thất nghiệp, an ninh trật tự.
Bản thân mỗi doanh nghiệp không ai muốn xảy ra dịch bệnh trong công ty mình. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, tạo việc làm cho người dân nên bằng mọi biện pháp bảo vệ trước dịch Covid-19 như chia làm nhiều ca để các công nhân làm việc cách biệt nhau, tuyệt đối không tiếp xúc nhau để tránh lây nhiễm...
"Rất áp lực bởi sự lây lan dịch bệnh, nỗi sợ đè lên vai chủ doanh nghiệp, chống dịch thì doanh nghiệp đã làm bằng mọi biện pháp, chấp nhận chi phí phát sinh rất lớn để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng có gì xảy ra thì truy cứu trách nhiệm này nọ thì ai dám làm. Kể cả anh em tuyến đầu chống dịch, khi xảy ra sự cố thì quy trách nhiệm lơ là, giải pháp không hiệu quả... thì thử hỏi ai dám hy sinh", ông Diệu tâm tư.
Do đó, một số công ty kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có yếu tố động viên từ phía quản lý chính quyền; Cần có chính sách, cơ chế bảo vệ cho doanh nghiệp vừa hoạt động sản xuất vừa hỗ trợ công nhân lao động.
Trước băn khoăn, lo lắng của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh công tác phòng chống dịch nói chung, trong đó có trong doanh nghiệp nói riêng phải ưu tiên hàng đầu.
"Việc xảy ra F0 ở Công ty thủy sản Tấn Khởi là do cách phòng chống dịch không hiệu quả, như không có 3 tại chỗ, lực lương công nhân sáng đi chiều về ở gia đình, có tiếp xúc với người từ vùng dịch về rồi vào xí nghiệp làm dẫn đến lây nhiễm", ông Thiều nêu rõ.
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, dịch bệnh phức tạp, tỉnh thực hiện nhiều biện pháp khống chế đẩy lùi dịch để đời sống người dân, sản xuất kinh doanh ổn định, trong đó có những biện pháp hành chính cho phù hợp nên có một số doanh nghiệp, người dân phải chịu thiệt thòi.
"Tỉnh rất quyết liệt, nếu như dịch lây lan trong cộng động hoài thì phức tạp lắm. Biện pháp cuối cùng là tiêm vaccine, cố gắng tiêm tỷ lệ bao phủ trong dân tăng lên, trong đó có ưu tiên tiêm cho công nhân lao động trong các nhà máy, xí nghiệp. Bên cạnh đó là điều trị các ca F0 không triệu chứng để không lên tầng 2, tầng 3", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nói.
Trước tình hình dịch Covid-19, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều khẳng định, chính quyền không bỏ người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị người dân, doanh nghiệp cùng đồng hành phòng chống dịch, chứ một mình chính quyền cũng không làm hết được.
"Người dân, doanh nghiệp ủng hộ chính quyền thì chống dịch mới hiệu quả. Cho nên doanh nghiệp cần phải tiến hành sàng lọc, xét nghiệm công nhân. Người dân, doanh nghiệp đừng lo sợ, quan điểm hiện nay là "sống chung với dịch", như có dịch xảy ra tại nhà máy ở khu vực nào có F0 thì phong tỏa hẹp chứ không toàn công ty", Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.