Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đối thoại, tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Ảnh hưởng dịch Covid-19, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết nhiều doanh nghiệp kêu khó khăn về lãi suất, vốn vay. Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã đề nghị các ngân hàng cần ngồi lại để tháo gỡ.
Nhiều đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng dịch Covid-19
Ngày 13/10, tại Bạc Liêu diễn ra buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu, cho biết, thời gian qua với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
"Sản xuất bị đình trệ, doanh thu bị sụt giảm, gần như các doanh nghiệp phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Doanh nghiệp phải xoay sở để tồn tại trong hoàn cảnh đầy rủi ro khi sản xuất kinh doanh không theo quy luật như trước", ông Tôn nói.
Bên cạnh đó, những điều kiện vận chuyển hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn do chuỗi cung ứng thị trường bị đứt gãy, giá thành vật tư đầu vào tăng cao... Doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất phải chấp nhận huề vốn, thậm chí chấp nhận thua lỗ chi phí để duy trì sản xuất trong thời gian dịch bệnh.
Trước khó khăn này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.
Theo ông Lê Chí Tôn, ban chỉ đạo có cơ chế để rà soát các chính sách về đất đai, thuế, tiếp cận tín dụng, đầu tư xây dựng... Có cơ chế đầu mối tiếp nhận nguồn thông tin xử lý kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Tôn đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thông qua cho vay mới, tiếp tục cho giãn nợ đến hạn và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
"Hiện nay một số ngân hàng có lãi suất còn cao không chia sẻ với doanh nghiệp, một số thì giảm nhưng không đáng kể. Doanh nghiệp kiệt quệ rồi nên cần vay vốn thêm để phục hồi sản xuất. Các chính sách hỗ trợ cần nhanh gọn, đơn giản hóa thủ tục, chứng từ chứng minh... do bản thân các doanh nghiệp đang nằm trong vùng dịch và đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch", ông Tôn nói.
Ngay tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh ngồi lại với các ngân hàng thương mại, xem các doanh nghiệp khó khăn thế nào. Phần nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì đề xuất xử lý, phần nào của Trung ương thì có kiến nghị rõ.
"Như doanh nghiệp nói lãi suất cao như thế, nếu cứ theo quy định của ngân hàng mà làm thì nói gì nữa. Chẳng hạn chúng ta phải có kiến nghị giảm lãi suất này như thế nào...", ông Hùng nói.
Cho "trảm" tiêu cực tại chỗ
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy đăng ký 12 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 9.850 tỷ đồng. 9 tháng qua tỉnh có 235 thành lập mới với tổng số vốn hơn 6.180 tỷ đồng, tăng hơn 55% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quan tâm hơn nữa đến việc tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này. Doanh nghiệp có phản ánh gì thuộc thẩm quyền của mình thì phải trả lời ngay chứ không phải ghi nhận ý kiến rồi để đó.
Với doanh nghiệp, tỉnh đề nghị phấn đấu phục hồi sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển trong điều kiện có dịch thì cần có phương án kinh doanh phù hợp
Theo Chủ tịch Bạc Liêu, qua phản ánh cho thấy doanh nghiệp rất khó khăn khi tiếp cận về vốn nên đề nghị các ngân hàng có cuộc họp riêng với doanh nghiệp để tháo gỡ vấn đề này.
"Mấu chốt vẫn là vốn, doanh nghiệp hoạt động mà không có vốn thì không bao giờ hoạt động được khi phải chi cái này, đầu tư cái kia. Các ngân hàng xem lại các quy định hỗ trợ về vốn, lãi suất... thế nào. Đúng quy định thì ai làm không được, làm ngoài quy định nhưng không sai mà chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp được mới hay", ông Thiều nói.
Chủ tịch Bạc Liêu cũng đề nghị ngành thuế thường xuyên gặp gỡ trao đổi với doanh nghiệp trước khó khăn đình trệ, kinh doanh không được thì việc nộp thuế thế nào, miễn giảm ra sao... để tháo gỡ kịp thời. Chúng ta có thể thất thu ngân sách một tí nhưng doanh nghiệp trụ được.
"Các địa phương cần phục vụ doanh nghiệp tối đa, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh, doanh nghiệp phát triển thì địa phương mới phát triển được. Cần đặt mình trong doanh nghiệp mới thấy cái khổ của doanh nghiệp, lo đủ thứ, muốn được đồng lời từ hoạt động kinh doanh rất khó khăn", ông Thiều nhấn mạnh.
Việc phục vụ này Chủ tịch Bạc Liêu yêu cầu cán bộ liên quan đến thủ tục hành chính phải làm hết trách nhiệm, bộ máy trong sạch, doanh nghiệp mới hài lòng.
"Giao Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Nội vụ giám sát, có thể thành lập đoàn nào đó đi kiểm tra thường xuyên, đột xuất, chỗ nào nóng thì xử lý tại chỗ, cho trưởng đoàn có quyền trảm tiêu cực tại chỗ, hối lộ bắt ngay để bảo vệ cho người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch Bạc Liêu quyết liệt.