1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có "chết" khi thuế nhập khẩu giảm về 0%?

(Dân trí) - Thời điểm thuế nhập khẩu ô tô giảm đến mức thấp nhất vào năm 2018 đang đến rất gần. Nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ rất khó khăn để cạnh tranh. Tuy nhiên, đáng chú ý, gần đây, một số doanh nghiệp trong nước như: Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) hay Tập đoàn Hyundai Thành Công đều có dự án mở rộng dây chuyền sản xuất, lắp ráp.

Chia sẻ với Dân trí về điều này, ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công cho biết, dù mức thuế nhập khẩu sẽ giảm mạnh và gây sức ép cạnh tranh rất mạnh đến các doanh nghiệp trong nước nhưng các doanh nghiệp trong nước như Hyundai Thành Công hay Thaco đều có bước đi của mình.

"Mỗi một doanh nghiệp sẽ có chiến lược đầu tư, kinh doanh để vẫn tồn tại, phát triển. Chúng tôi luôn phân tích, kinh doanh mọi rủi ro đều xảy ra. Tuy nhiên, nếu có nghiên cứu cụ thể, giảm thiểu rủi ro. Năm 2018 đến rất gần, thuế xe con từ ASEAN sẽ về 0%. Thuế về 0% xe từ ASEAN có cơ hội giảm giá. Trong khi các thương hiệu chưa có trung tâm ở ASEAN. Các tập đoàn chưa có cơ sở sản xuất ở ASEAN sẽ phải đấu tranh giữa sản xuất hay không. Việt Nam trở thành điểm nhấn, vì Thái Lan, Malay đã bão hoà. Do vậy, các tập đoàn, thương hiệu vẫn có đối sách ngắn hạn cho VN và ASEAN", ông Đức nói.

Theo ông Đức: "Chúng tôi và Thaco có nhìn nhận thấy quan điểm đầu tư rất tương đồng. Chúng tôi vẫn khát khao có ngành công nghiệp ô tô trong nước, dù không dễ. Ở Việt Nam, Vinaxuki cũng có tình yêu với ngành ô tô, Thaco và Trường Hải cũng vậy nhưng cách đi khác nhau".

Theo Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, "chúng tôi trước hết cần có thị trường để tiếp cận các tập đoàn, dn ô tô chưa có cơ sở sx ở ASEAN. Quá trình dài chuẩn bị, đàm phán để mời chào họ đặt nhà máy tại Việt Nam, dần dần chuyển giao công nghệ. Nếu chúng tôi không sản xuất, nội địa hoá sẽ mất đi cơ hội tại Việt Nam. Cái khó nhất là đã tạo dựng được thị trường, niềm tin, uỷ quyền của đối tác. Đối với Thaco là Mazda, Thành Công là Huyndai".

Ông này cũng cho rằng, vấn đề còn lại là chính sách, góc nhìn chuyên môn, giải pháp của Chính phủ. Nếu nhìn góc độ đưa ra chính sách tích cực từ Chính phủ có ngành ô tô, nếu góc nhìn tiêu cực thì sẽ không có ngành ô tô.

Giữa cơn bão xe nhập, Hyundai thành Công khẳng định sẽ xây dựng dây truyền xuất khẩu xe hơi sang ASEAN (ảnh minh hoạ)
Giữa cơn bão xe nhập, Hyundai thành Công khẳng định sẽ xây dựng dây truyền xuất khẩu xe hơi sang ASEAN (ảnh minh hoạ)

Đáng chú ý, từ cuối tháng 3/2017, Tập đoàn Thành Công chính thức ký thoả thuận hợp tác cùng tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để mở rộng liên doanh sản xuất các mẫu xe du lịch Hyundai tại tỉnh Ninh Bình với công suất 40.000 chiếc/năm.Mục tiêu của liên doanh này là chuyển dịch tăng tỷ trọng từ 20% xe lắp ráp trong nước (CKD) ủa Hyundai tại Việt Nam lên khoảng 70-80% ngay trong năm 2017 và tiếp tục tăng lên trên 90% vào năm 2018.

Về vấn đề bảo hộ ngành công nghiệp ô tô, ông Đức cho biết, công nghiệp ô tô thế giới không riêng gì Việt Nam cần “bảo hộ” của Chính phủ. Không có bảo hộ của Chính phủ thì không có ngành ô tô. "Mười năm năm trước, xu hướng thế giới các nước đều xoá bảo hàng rào thuế quan. Nhưng các quốc gia hiện nay đã thay đổi chiến lược, họ vẫn gia nhập các hiệp định thương mại tự do nhưng có những hàng rào bảo hộ như việc Mỹ rời khỏi TPP hay Anh rút khỏi EU…", ông Đức nói.

Chính vì vậy, ông này đề nghị thời gian tới Nhà nước cần rà soát toàn bộ thuế phí cho ngành ô tô hiện nay, đặc biệt là đối với linh kiện ô tô nguyên chiếc. "Có cần thiết duy trì mức nhập khẩu linh kiện cao hơn so với nhập xe nguyên chiếc. Không ai đi làm sản xuất khi thuế linh kiện cao hơn với nhập khẩu", ông Đức cho biết.

Theo lãnh đạo của Hyundai Thành Công, sản xuất số lượng nhỏ mới đầu thì không thể rẻ hơn so với số lượng lớn. Đừng sợ, đừng vì những cái chưa thành công của quy hoạch chiến lược ô tô mà sợ hãi. Chúng ta đã có thành công khi nội địa hoá xe tải nhỏ, xe khách với tỷ lệ cao. Xe con chưa đạt không phải tất cả chúng tôi quay lưng với ngành ô tô đâu. Cần có giải pháp, chính sách sớm, cứ ngồi chờ sốt ruột.

Ông Đức dẫn giải, tại sao Malaysia, Indonesia, Ấn Độ phát triển của ngành ô tô giá rẻ đó là nhờ họ khéo léo điều chỉnh thuế phí xe ô tô, đi khe cửa hẹp, hỗ trợ DN ô tô, lập các hàng rào mà không vi phạm các điều kiện của các hiệp định thương mại.

Chẳng hạn đầu tư tại Việt Nam phải cam kết chuyển giao công nghệ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá. Nếu năm 2018 thuế về 0%, chẳng hạn chi phí sản xuất ở Việt Nam với ASEAN bằng nhau nhưng thuế nhập linh kiện bất hợp lý thì ai đầu tư?

Theo lãnh đạo của Hyundai Thành Công, làm ô tô "một cổ mấy tròng", đàm phán với nhà sản xuất bản quyền để họ chuyển giao công nghệ, mở rộng đầu tư phải có kế hoạch thế nào, bán bao nhiêu xe. Bên cạnh đó, còn phải "dò" chính sách với những thay đổi, bất cập hiện nay.

Nguyễn Tuyền