Sàn vàng ngoại cũng không an toàn

Mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn vàng đều bị cấm vì phạm pháp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Sau khi sàn vàng chui BBG bị đánh sập, tổng giám đốc BBG chính thức bị khởi tố với tội danh lừa đảo khiến nhà đầu tư vàng hoang mang. Không ít nhà đầu tư đang chơi vàng tài khoản ở các sàn vàng khác tìm cách rút vốn. Thậm chí nhiều sàn vàng phải đối mặt với nguy cơ thiếu thanh khoản.

Thế nhưng trong số đó có không ít sàn lại nhân cơ hội này để tìm cách hút nhà đầu tư với lời khẳng định “đây là sàn vàng quốc tế nên rất an toàn”.

Chiêu dụ lãi suất cao

Chỉ cần gõ trên Google lệnh sàn vàng, hoặc Forex (kinh doanh ngoại hối) sẽ xuất hiện hàng loạt tên những công ty kinh doanh vàng, những trang web mời gọi hướng dẫn nhà đầu tư tham gia với lời lẽ khá hấp dẫn.

Một trang web thậm chí còn giới thiệu sàn trong nước khá rủi ro còn sàn quốc tế an toàn. Chẳng hạn như “giao dịch vàng, ngoại hối hay chứng khoán quốc tế tại các sàn trong nước là rất rủi ro. Trong khi các sàn vàng quốc tế đã có từ rất lâu và uy tín cao trên thị trường. Họ là những tổ chức uy tín cung cấp điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, đồng thời chịu sự giám sát của các tổ chức tài chính trên thế giới. Hiện nay các công ty môi giới lớn đang có xu hướng mở rộng và thu hút các nhà đầu tư ở Việt Nam…”.

Anh H., nhà ở khu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM), cho biết anh được bạn giới thiệu gửi tiền dưới dạng cổ phần cho Công ty Tele, nhận lãi suất đến 3%/tháng. Thấy lãi suất hấp dẫn thì ham nhưng anh cẩn trọng đi tìm hiểu thì được biết công ty này kinh doanh ngoại hối, vàng và có công ty mẹ tại Nga. Anh H. kể: “Nhân viên công ty này còn cho hay đây là công ty nước ngoài, có giấy phép hoạt động hợp pháp cùng với nhiều chi nhánh ở các nước nên rất an toàn”.

Sàn vàng ngoại cũng không an toàn

Anh H. còn nhớ lại cách cách đây không lâu, anh được mời đến Công ty Iron cũng đầu tư kinh doanh trên sàn với lãi suất trên 3%/tháng. Nhân viên tư vấn cho hay lãi suất ở công ty mình khá cao chứ không như nhiều nơi chỉ có 2%-2,5%.

“Để thuyết phục tôi, nhân viên cho biết đây là tập đoàn lớn có chi nhánh ở nhiều nước như Thái Lan, Hong Kong… Nhà đầu tư chỉ góp vốn lấy lãi suất thì không có gì phải lo ngại. Tuy nhiên, vì chưa am hiểu nhiều về lĩnh vực này nên tôi đã từ chối” - anh H. chia sẻ.

Qua tìm hiểu, nhiều công ty còn tham gia các hoạt động cộng đồng, các chương trình từ thiện, ngày hội việc làm cho sinh viên… để quảng bá hình ảnh của mình.

Sức cám dỗ ghê gớm

Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, đã là sàn giao dịch mở ra phải hoạt động độc lập. Sàn là nơi tạo ra hành lang pháp lý, công nghệ, môi trường minh bạch cho người mua và người bán. Ở đó có lời có lỗ, có thắng có thua. “Vậy nên không ai dám cam kết về lợi nhuận bao nhiêu phần trăm cả. Thế là sai mục đích” - ông Hải nói.

Với câu hỏi liệu các nhà đầu tư có nên tiếp tục gửi tiền vào sàn, một chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng ở các nước phát triển nếu trả lợi nhuận cao gấp ba lần lãi suất ngân hàng được cho là kênh đầu tư mạo hiểm. “Vì thế, tôi không tin có các công ty ngoại nào tới Việt Nam mà đi huy động lãi suất như chợ đen vậy” - vị chuyên gia này khẳng định.

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng thì cho rằng nhà đầu tư sẽ không dám gửi tiền dù lãi suất cao sau sự kiện BBG vừa bị đánh sập. Tuy nhiên, đối với những người đầu tư dưới dạng vàng tài khoản thì có thể vẫn tìm kiếm đối tác được cho là an toàn hơn để chơi. Bởi là thị trường ngoại hối, thị trường vàng với người Việt Nam vẫn có sức cám dỗ ghê gớm. Ngay cả nhà đầu tư tay mơ khi đánh 1.000 USD cũng có thể may mắn thắng ngay 3.000 USD, tuy nhiên sau đó mạnh tay đánh lên 6.000 USD thì lại mất trắng.

Ông Vũ cũng cho rằng thị trường ngoại hối hay thị trường vàng có thể cung cấp công cụ để phòng vệ rủi ro, song không thể tham gia thị trường nếu chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Vũnêu thực tế: “Dù là sàn giao dịch vàng hay bạc, dù là công ty Việt Nam hay công ty nước ngoài có giấy phép hoạt động đi chăng nữa, nếu làm ăn thua lỗ thì đều có khả năng bị sập”.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh khẳng định dù là công ty của Việt Nam hay các công ty là chi nhánh của công ty nước ngoài thì kinh doanh sàn vàng là phạm pháp. Trong lãnh thổ Việt Nam mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh vàng tài khoản, sàn đều bị cấm. Do đó gửi tiền ở các công ty này hay mở tài khoản vàng đều có nguy cơ bị mất trắng.

 

Nhà đầu tư có thể… chết dần

Trên thế giới, sàn vàng hoạt động dưới hình thức kinh doanh các công cụ phái sinh. Đa số sàn chịu sự giám sát chặt chẽ theo chuẩn mực của các cơ quan giám sát của các nước sở tại như ASIC (Úc), CFTC, NFA (Mỹ), FSA (Anh)... Do đó sàn vàng của họ hoạt động khá minh bạch.

Còn ở Việt Nam, kinh doanh vàng tài khoản là bất hợp pháp. Việc kinh doanh được thực hiện qua các sàn chui, những người môi giới không có uy tín, không ai giám sát, luôn tìm cách tìm kiếm lợi nhuận càng nhiều càng tốt bất chấp tất cả. Do đó ngoài các rủi ro thị trường thì các sàn vàng còn không được pháp luật bảo vệ.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư có thể “chết dần” vì nhiều lý do như bị đầu cơ đẩy giá mua, hạ giá bán để hưởng chênh lệch; nhiều khi đặt lệnh bán nhưng không khớp lệnh được vì lỗi mạng.

Ông Huỳnh Trung Minhchuyên gia kinh tế

 

 
Theo Yên Trang
Pháp Luật TPHCM
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”