Sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế "hộ" người kinh doanh: Có khả thi?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bày tỏ sự bất an trước quy định sàn giao dịch thương mại điện tử phải kê khai, nộp "hộ" thuế cho cá nhân kinh doanh.

Quy định ban hành, doanh nghiệp không... biết!

Theo quy định mới nhất tại Thông tư 40 của Bộ Tài chính, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Cụ thể, sàn giao dịch TMĐT căn cứ doanh thu, các khoản thu khác mà cá nhân kinh doanh trên sàn nhận được, bao gồm khoản nhận qua đơn vị vận chuyển - COD, các hình thức trung gian thanh toán... để xác định doanh thu kê khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Tuy nhiên, ngay khi Thông tư được ban hành, nội dung này đã vấp phải những ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, chưa đồng thuận.

Sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế hộ người kinh doanh: Có khả thi? - 1

Chuyên gia cho rằng, một số quy định trong Thông tư 40 chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử.

Trong thông cáo vừa gửi tới báo chí, lãnh đạo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) cho biết, 15 ngày sau khi Thông tư được ban hành (hôm 1/6), Tổng cục Thuế phối hợp cùng Vecom tổ chức cuộc họp đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan về việc triển khai Thông tư.

"Thông tư 40 được ban hành có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/3, nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này.

Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn" - lãnh đạo Vecom trăn trở.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, một điều đáng lo ngại từ quá trình soạn thảo Thông tư 40 là dự thảo trước đây được công bố rộng rãi lấy ý kiến không hề có chế định này, các doanh nghiệp khi tìm hiểu góp ý đã từng khá yên tâm.

"Khi các doanh nghiệp thuộc Vecom nghe thấy quy định này có khả năng được đưa vào thì mới chủ động liên hệ Tổng cục Thuế đề nghị góp ý. Tiếc là cuộc gặp góp ý như dự kiến với Tổng cục Thuế ngày 15/6 đã trở thành cuộc họp phổ biến quy định mới vì Thông tư đã được ký ban hành từ ngày 1/6" - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Trưởng ban pháp chế VCCI đặt vấn đề, quy định ban hành đã hơn nửa tháng mà doanh nghiệp trong ngành không hề hay biết. Các doanh nghiệp cũng không biết ban soạn thảo Thông tư 40 khi đưa những chế định quan trọng và lớn như thế này đã kịp đánh giá tác động kinh tế - xã hội, đã lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hay chưa...

Nỗi lo gánh nặng chi phí

Cùng với kiến nghị của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, đại diện các sàn giao dịch TMĐT cũng mong muốn được giải đáp thắc mắc về nội dung quy định cũng như nghĩa vụ của các sàn, bao gồm chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.

Theo đại diện một số sàn TMĐT, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Mặt khác, sàn TMĐT cũng thực hiện nghĩa vụ thuế của riêng mình theo đúng quy định của pháp luật nên không thể nộp thay người kinh doanh.

"Nếu buộc phải thực hiện quy định trên, nếu sàn TMĐT kê khai sai, tính toán và ghi nhận không chuẩn, hoặc sàn không có công cụ để buộc người kinh doanh nộp thuế thì trách nhiệm pháp lý của sàn sẽ như thế nào?" - đại diện một doanh nghiệp đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần phải đặt giả thiết trường hợp người kinh doanh trốn tránh hoặc cố tình nợ thuế sẽ phải xử lý ra sao? Các sàn thương mại sẽ "gồng gánh" thêm khoản chi phí do phải thêm công việc này.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh sàn TMĐT chắc chắn phải đau đầu với quy định mới. Hiện pháp luật quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế. Nhưng làm sao các sàn biết doanh thu, thu nhập người bán trên sàn thực sự thế nào?

"Chưa kể thời gian có hiệu lực của thông tư từ 1/8/2021, với thời gian gấp gáp như thế cách nào để thực hiện? Với những doanh nghiệp có nền tảng xuyên quốc gia, chắc chắn việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam là không dễ", ông Tuấn nói.

Sàn thương mại điện tử khai, nộp thuế hộ người kinh doanh: Có khả thi? - 2

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: Một doanh nghiệp nói với tôi rằng rủi ro từ thương trường, từ cạnh tranh đã khắc nghiệt, nhưng rủi ro từ thay đổi chính sách, pháp luật có khi lại khắc nghiệt hơn nhiều lần.

Phía doanh nghiệp cũng chia sẻ, khoảng thời gian còn lại là quá ngắn để các sàn sắp xếp về công nghệ, bố trí thêm nhân lực thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế. Do đó, Thông tư gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thông tư 40 còn như "đánh đố" sàn TMĐT khi chỉ hướng dẫn chung là: "Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo quy định pháp luật.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định".

Trên thực tế, cá nhân kinh doanh có thể thực hiện bán hàng qua nhiều sàn TMĐT khác nhau, và chỉ bản thân cá nhân đó biết được doanh thu phát sinh tổng hợp lại như thế nào. Như vậy, một sàn TMĐT đơn lẻ khó có khả năng xác định doanh thu của người kinh doanh trên sàn có đạt 100 triệu đồng/năm hay không.

Nếu xác định mức doanh thu không đúng hoặc không đủ, trách nhiệm xử lý của các bên liên quan thế nào? Bên cạnh đó, quy định này cũng dẫn đến việc người kinh doanh có thể "lách luật", "né thuế" bằng cách chia nhỏ doanh thu, mở nhiều shop trên sàn, hoặc nhờ người đứng tên shop…

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trương Hữu Huy - Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc điều hành Công ty Luật Huy & Partners - cho biết, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị "trả thu nhập" mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, sàn không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, căn cứ Điều 36, Khoản 7 Điều 37 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về TMĐT, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT không bao gồm trách nhiệm kê khai và nộp thuế thay cho người bán, mà người bán chính là đối tượng có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế (cụ thể là Khoản 1, Điều 24, Luật Thuế TNCN 2007).

Như vậy, theo luật sư, xét về góc độ pháp lý, theo quy định tại Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thông tư 40 là văn bản dưới nghị định nhưng lại gây xung đột và mâu thuẫn với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn là Nghị định số 52/2013/NĐ-CP thì điều này là trái với các nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 156 đã dẫn.

Bên cạnh đó, Điều 45 Luật Quản lý thuế cũng quy định: "cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh". Trong khi hầu hết các sàn TMĐT đều có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác (thường là Hà Nội và TPHCM). Vì thế, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác.

"Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương", Luật sư Trương Hữu Huy nói.

Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết thêm, qua trao đổi với một số doanh nghiệp, điều đáng lo nhất của các sàn TMĐT là mất khách hàng. Để kê khai và khấu trừ thuế thì khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch.

"Ở vị trí người bán, tội gì họ phải mang hàng lên sàn TMĐT bán cho đắt đỏ và phức tạp. Họ sẽ chuyển sang kinh doanh trên các mạng xã hội khác hiện chưa được xem là sàn TMĐT hoặc "bê hàng" trở về hình thức truyền thống cho tiện" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng đặt vấn đề, cơ quan nhà nước chắc cũng khó bắt ban quản lý chợ truyền thống phải đi quyết toán, nộp thuế thay cho các tiểu thương như trên chợ điện tử.

Theo đại diện Vecom, tại cuộc làm việc hôm 15/6, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, các sàn giao dịch TMĐT và các bên tham gia, lãnh đạo Tổng cục Thuế ghi nhận và giao Vụ DNNCN cùng các bộ phận liên quan rà soát lộ trình triển khai dự kiến, lên kế hoạch hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại một số sàn cũng như lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành có liên quan, nếu cần thiết có thể điều chỉnh cho phù hợp.