Samsung giúp Thái Nguyên giành giải "quán quân" hút vốn FDI

(Dân trí) - Nhờ hai dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore và Samsung Electro-mechanics Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Nguyên đã thu hút được 3,4 tỷ USD, chiếm 15,7% vốn đăng ký.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 15/12/2013, cả nước có 1.275 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 14,27 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2012. Đồng thời, có 472 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,35 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2012.

 

Tính chung cả năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt con số 21,63 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, ước tính khối lượng vốn giải ngân của các dự án ở mức 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so năm ngoái.

  

Samsung giúp Thái Nguyên giành giải quán quân hút vốn FDI
Ngoài Thái Nguyên, vừa rồi Samsung cũng điều chỉnh tăng vốn 1 tỷ USD tại dự án Samsung Electronics Việt Nam ở Bắc Ninh.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cho vay tín chấp: Khách hàng bị… “săn lùng”

EVN thu hàng tỷ USD từ hoạt động thoái vốn năm 2013

Năm 2013: Thắng đậm về tỉ giá và thị trường vàng

Đại gia bỏ chứng khoán: Người ra đi đau đớn, kẻ dứt áo lạnh lùng

Trong số 18 ngành lĩnh vực nhận vốn FDI thì công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất đối với giới đầu tư nước ngoài với 605 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 16,64 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký.

 

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,031 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD.

 

Nhật Bản vẫn là quốc gia dẫn đầu trong số 54 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn FDI đổ vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm của các doanh nghiệp Nhật đạt 5,75 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng vốn. Các vị trí tiếp theo thuộc về Singapore với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,38 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc với 4,29 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.

 

Nếu không kể dầu khí ngoài khơi, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 52 tỉnh thành phố. Nhờ hai dự án của Samsung, Thái Nguyên đã trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất cả nước với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD, chiếm 15,7% vốn đăng ký.

 

Cụ thể, Dự án Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử và Dự án Công ty TNHH Samsung Electro-mechanics Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 1,23 tỷ USD với mục tiêu sản xuất và lắp ráp bảng mạch in kết nối mật độ cao HDI.

 

Do có sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn nên đã giúp Thanh Hóa giữ vị trí thứ hai đạt 2,92 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,61 tỷ USD, chiếm 12,1% vốn đăng ký.

 

Khối doanh nghiệp FDI đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong thương mại Việt Nam khi xuất khẩu của khu vực này đã chiếm tới 67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2012 và chiếm 61,42% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 56,71% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tính chung cả năm 2013, khu vực FDI xuất siêu gần 14 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu 863 triệu USD.

 

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước