Sai lệch hàng loạt tại Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình

(Dân trí) - Qua kiểm toán cho thấy, do các tồn tại trong công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu, với hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án đã tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.

Thông báo kết quả kiểm toán Dự án xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 (thời gian kiểm toán từ 1/10/2013 tới 9/12/2013), Kiểm Toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra hàng loạt chênh lệch tăng - giảm trong hạch toán của dự án này.
 
Sai lệch hàng loạt tại Dự án cao tốc Dầu Giẽ - Ninh Bình
Với những sai lệch trong dự toán, dự án cao tốc Dầu Giẽ - Ninh Bình đã "cuối trôi" hàng trăm tỷ đồng.

Với việc áp dụng định mức không đúng quy định, chi phí dự án theo báo cáo đã được "đội" lên thêm 275,83 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn sai đơn giá 42,87 triệu đồng, sai khối lượng 16 tỷ đồng, chưa có đơn giá thanh toán chính thức 24,6 tỷ đồng, phần bù giá trong khoảng thời gian chậm tiến độ chưa làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan cũng lên tới 11,2 tỷ đồng. Tổng hợp số liệu lập báo cáo vốn đầu tư thực hiện của dự án đến 30/6 bị sai lệch 14,86 tỷ đồng, trong đó sai lệch tăng 15,89 tỷ đồng và sai lệch giảm 1 tỷ đồng. Những khoản sai khác 4,18 tỷ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
 
Đây là nguyên nhân khiến giá trị báo cáo được kiểm toán của tổng chi phí xây dựng và chi phí khác là 4.518,95 tỷ đồng sau kiểm toán chỉ còn 4.172,22 tỷ đồng (chênh 346,73 tỷ đồng), còn con số báo cáo là 6.390,99 tỷ đồng.

KTNN cho hay, do các tồn tại trong công tác khảo sát bước lập dự án và việc lựa chọn phương án thiết kế ban đầu chưa tối ưu nên đã dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án khả thi (lập quý I/1999 đến tháng 5/2005 mới được phê duyệt) và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phải điều chỉnh dự án và tổng mức đầu tư 2 lần với giá trị tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.

Để xảy ra các tồn tại dẫn đến kéo dài thời gian lập dự án và tăng tổng mức đầu tư như trên, theo KTNN, trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý dự án Thăng Long và nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế (TEDI).

Cơ quan kiểm toán cũng cho thấy, công tác lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án không tuần thủ đúng trình tự, thủ tục, quy định (thiết kế kỹ thuật được lập và phê duyệt có nhiều thay đổi về quy mô và hướng tuyến so với thiết kế cơ sở nhưng chủ đầu tư không lập và trình duyệt điều chỉnh dự án trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật; tại các gói thầu số 1,2,4,5, chủ đầu tư còn phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổ chức đấu thầu xong trước phê duyệt điều chỉnh dự án). Trách nhiệm của tồn tại nêu trên chủ yếu thuộc về Bộ GTVT.

Chênh lệch trên 310 tỷ đồng trong công tác dự toán

Trong công tác khảo sát, thiết kế, lập và phê duyệt dự toán, KTNN đã chỉ ra, việc áp dụng các định mức cóc cát cho giếng cát không phù hợp với thực tế thi công giếng cát của dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến giá dự toán và giá gói thầu.

Qua tính toán theo hồ sơ quản lý chất lượng của hạng mục giếng cát tại các gói thầu được kiểm toán cho thấy, hao phí máy thi công thực tế thấp hơn nhiều lần so với hao phí máy dự toán đang áp dụng, trung bình thấp hơn 10,5 lần. Do vậy, tổng giá trị dự toán của các gói thầu được kiểm toán bị tăng lên 305,6 tỷ đồng. Ngoài ra, việc xác định sai cấp đất của hạng mục giếng cát cũng làm tăng giá trị dự toán 1,86 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, trong khối lượng dự toán, việc dự toán bóc tách sai khối lượng so với khối lượng trên hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm tăng giá trị dự toán công trình 1,77 tỷ đồng; áp dụng sai hệ số quy đổi đất đắp K95 và K98 làm tăng khối lượng đất đắp dẫn tới làm tăng giá trị dự toán 1,6 tỷ đồng. 

Tổng hợp các sai lệch trong công tác dự toán nêu trên so với tổng dự toán tính đúng của các gói thầu được duyệt có tổng chênh lệch 310,82 tỷ đồng và chênh lệch so với giá trúng thầu là 283,53 tỷ đồng.

Để xảy ra những sai sót nêu trên, KTNN cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng khi đã chậm xây dựng và công bố định mức giếng cát, Bộ GTVT đã sai sót trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án, VEC đã quản lý vốn đầu tư không chặt chẽ và Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI đã vận dụng định mức trong việc lập dự toán không đúng quy định của nhà nước.

Trước những sai sót này, KTNN đã kiến nghị Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phải giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện đến tháng 6/2013 là 346,73 tỷ đồng. Khẩn trương thu hồi số tiền tạm ứng chưa thu hồi hết theo quy định của hợp đồng một số gói thầu, giá trị trên 30 tỷ đồng.

Cơ quan kiểm toán cũng đề nghị Bộ GTVT phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân liên quan của Bộ trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự toán các gói thầu trong đó đã chấp thuận định mức thi công Giếng cát D400 không đúng quy định, không phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Đồng thời, theo KTNN, Bộ GTVT cần kiểm tra, chỉ đạo ngay các đơn vị, chủ đầu tư các dự án tương tự có liên quan đến việc áp dụng định mức thi công giếng cát để ngăn chặn kịp thời nguy cơ gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước.

Bên cạnh đó, có biện pháp chỉ đạo kiểm điểm và xử lý phù hợp theo quy định đối với nhà thầu tư vấn khảo sát, thiết kế TEDI do có sai sót trong việc áp dụng định mức thi công Giếng cát D400 không đúng quy định, không phù hợp với tình hình thực tế của dự án.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng; trong đó, 800 tỷ đồng là vốn điều lệ của VEC, số còn lại là vốn trái phiếu công trình do VEC phát hành được Chính phủ bảo lãnh. Dự án được đưa vào khai thác ngày 30/6/2012.

Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước