Sacombank lần đầu báo lỗ kể từ khi niêm yết

(Dân trí) - Trong thời điểm cha con cựu Chủ tịch kiêm nhà sáng lập Đặng Văn Thành rời khỏi Sacombank, ngân hàng lần đầu ghi nhận lỗ quý IV hơn 870 tỷ đồng, từ đó kéo lãi cả năm mất hơn 64% so 2011, nợ xấu tăng gấp 4 lần.

Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã CK: STB) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2012.

Theo đó, trong quý vừa rồi, ngân hàng lỗ trước thuế 802 tỷ đồng so mức lãi cùng kỳ năm trước là 638,8 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 871 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2011, Sacombank lãi 471,69 tỷ đồng.

Đây là lần đầu tiên lợi nhuận Sacombank tuột dốc thảm hại xuống mức âm kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM (HSX) cho đến nay.

Kết quả này đã kéo lợi nhuận trước thuế cả năm của Sacombank trong 2012 xuống còn 1.366,1 tỷ đồng, bằng phân nửa kết quả đạt được năm 2011, mà cụ thể là đã giảm tới 50,7%. Theo đó, lãi sau thuế cũng giảm còn 714,43 tỷ đồng, chỉ bằng vỏn vẹn 35,8% lãi của năm 2011.

Lợi ích cổ đông theo đó cũng bị ảnh hưởng theo. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) bị giảm từ 2.241 đồng/cp năm 2011 còn 734 đồng/cp năm vừa rồi, tương ứng đã bị hao hụt mất hơn 67%.

Lợi nhuận Sacombank sụt giảm thảm hại giữa bối cảnh nhân sự ngân hàng biến động mạnh.
Lợi nhuận Sacombank sụt giảm thảm hại giữa bối cảnh nhân sự ngân hàng biến động mạnh.

Tại báo cáo tài chính riêng, trong quý IV, lỗ sau thuế riêng của Sacombank lên tới 855 tỷ đồng, giảm 1.295 tỷ đồng so với cùng kỳ 2011, tương ứng mức giảm lên tới 294,6%.

Nguyên nhân chủ yếu được phía ngân hàng lý giải là do phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng chứng khoán và dự phòng phải thu khó đòi theo Chỉ thị 06 ngày 9/11/2012 của NHNN.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2012 tăng 198 tỷ đồng so quý IV/2011 do dư nợ cho vay quý này cao hơn cùng kỳ năm trước là 19.000 tỷ đồng, trong khi số dư huy động quý này tăng 12.000 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.

Thu nhập từ hoạt đồng kinh doanh ngoại hối giảm 177 tỷ đồng so quý IV/2011, chủ yếu là khâu kinh doanh vàng do ảnh hưởng của biến động giá vàng trên thị trường.

Thu thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 105 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế, khiến doanh nghiệp, cá nhân hoạt động cầm chừng, thu hẹp sản xuất kinh doanh, từ đó dịch vụ của ngân hàng cũng giảm so với cùng kỳ năm 2011, mà lĩnh vực giảm chủ yếu là hoạt động dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.

Thu khác giảm 151 tỷ đồng do Sacombank không tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng tài sản và thoái thu khoản dự thu hoạt động khác chưa thu được.

Ngân hàng cũng thừa nhận, lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chứng khoán quý IV/2012 đã lỗ nhiều hơn so với quý IV/2011 tới 126,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dự phòng chứng khoán quý IV/2012 tăng 177 tỷ so với cùng kỳ lên 360 tỷ đồng.

Những khoản dự phòng khác cũng đã ăn mòn lợi nhuận Sacombank trong quý vừa rồi khi dự phòng rủi ro tín dụng quý IV/2012 tăng 472,5 tỷ đồng lên 385,5 tỷ đồng sau khi đã được hoàn nhập 47 tỷ đồng hồi quý IV/2011. Dự phòng các khoản phải thu quý IV/2012 cũng tăng 426,5 tỷ đồng so quý IV/2011 lên 472 tỷ đồng.

Song song với thu nhập giảm, chi phí hoạt động quý IV/2012 ghi nhận tại báo cáo tài chính riêng đã tăng thêm 164,5 tỷ đồng so cùng kỳ 2011.

Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: BCTC Sacombank/Dân trí).
Đơn vị: Tỷ đồng (Nguồn: BCTC Sacombank/Dân trí).

Trong năm vừa rồi, tổng dư nợ cho vay của Sacombank đã tăng gần 13.800 tỷ đồng từ mức 80.539,5 tỷ đồng hồi đầu năm lên 94.334,44 tỷ đồng cuối năm 2012. Tương ứng với đó, nợ xấu của ngân hàng cũng gia tăng theo đáng kể:

 Đến cuối năm 2012, khối lượng nợ xấu của Sacombank đã tới ngưỡng 1.824,55 tỷ đồng, chiếm 1,89% tổng dư nợ. Con số này đã tăng gần 4 lần so con số nợ xấu của năm 2011. Trong năm 2011, nợ xấu của Sacombank cũng chỉ chiếm tỷ lệ 0,58% tổng dư nợ.

Cụ thể, năm 2012, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của ngân hàng đã tăng hơn gấp 3 lần lên 310,33 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 3,3 lần lên mức 634,27 tỷ đồng và nghiêm trọng hơn là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng tới 5,24 lần lên 879,95 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ cần chú ý cũng tăng gần 55% lên 365,28 tỷ đồng (nợ nhóm 2).

Ngoài ra, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ tại BCTC hợp nhất cho thấy, đến 31/12/2012, tiền và các khoản tương đương tiền mà Sacombank hiện có là 16.994,17 tỷ đồng, đã giảm 13% sau 1 năm.

Những sóng gió về kết quả kinh doanh của Sacombank trong quý cuối cùng năm 2012 diễn ra trong bối cảnh bộ máy nhân sự cấp cao của ngân hàng trải qua nhiều biến động.

Tháng 11/2012, sự kiện ông Đặng Văn Thành từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng, sau đó là rời hẳn khỏi Hội đồng quản trị cùng với con trai Đặng Hồng Anh đã tạo nên một cơn rung chấn lớn không chỉ tại Sacombank mà còn đối với cả ngành tài chính ngân hàng cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Giữa lúc đó, nối tiếp hoạt động thoái vốn của Chứng khoán Phương Nam, Đầu tư Sài Gòn Exim, con trai ông Trầm Bê là ông Trầm Trọng Ngân cũng thể hiện quyết tâm rút hẳn khỏi ngân hàng này sau khi đăng ký lần này đến lần khác, bán toàn bộ 48 triệu cổ phiếu STB tương ứng 4,93% tổng lượng cổ phiếu lưu hành.

Mới đây, Sacombank và Eximbank đã có thỏa thuận hợp tác dài hạn, mà một trong những nội dung quan trọng là sẽ tiến tới kế hoạch hợp nhất trong vòng 3-5 năm. Tại Sacombank, Eximbank đang đóng vai trò là cổ đông lớn với tỷ lệ 9,73%.

Mai Chi