1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Rút ruột” container

Hàng chục vụ rút ruột container đã xảy ra trong thời gian gần đây không chỉ gây thiệt hại hàng triệu USD, mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của các doanh nghiệp xuất khẩu VN.

Nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động lắp các thiết bị định vị toàn cầu GPS, cử người của công ty theo xe để áp tải song vẫn mất hàng như thường.
 
“Rút ruột” container - 1
Ghi lại hình ảnh trong quá trình bốc xếp hàng hóa vào container để cung cấp cho công ty vận tải và đối tác nước ngoài.

 

Cấu kết với tài xế

 

Chỉ trong vòng mười ngày cuối tháng 6/2011, Công ty xuất khẩu gỗ TTP bị kẻ trộm ba lần lấy cắp hơn 14 tấn gỗ trắc trên đường vận chuyển hàng đến cảng Cát Lái (TP.HCM) để xuất khẩu qua Trung Quốc. Do container còn nguyên niêm chì nên công ty không cho kiểm kê lại hàng hóa trước khi xuất khẩu, chỉ khi hàng được chuyển sang Trung Quốc và đối tác cho hay lô hàng thiếu số lượng công ty mới tá hỏa rà soát lại quá trình vận tải hàng ra cảng.

Mất hàng triệu USD

 

Theo thống kê của Hiệp hội Điều VN (Vinacas), tổng thiệt hại từ các vụ “rút ruột” hàng hóa trong container từ năm 2007 đến nay đã lên đến gần 2 triệu USD. Đây mới chỉ là các vụ mất hàng được doanh nghiệp trình báo, còn những vụ mất hàng với số lượng nhỏ hơn thì xảy ra liên tục nhưng doanh nghiệp sợ ảnh hưởng uy tín nên không làm lớn chuyện.

 

Nghi ngờ tài xế công ty vận tải cấu kết với kẻ gian để thực hiện trộm và tiêu thụ hàng hóa, công ty tiếp tục thuê chính đơn vị vận tải và tài xế trước đó từng chở hàng cho mình. Ngày 2/10, lô hàng gỗ trắc tiếp theo được vận chuyển đến cảng Cát Lái nhưng trước khi đem xuất khẩu, đại diện công ty yêu cầu phía cảng cân lại container do tài xế H. vận chuyển thì phát hiện thiếu 1 tấn hàng. Ngay lập tức, tài xế H. (thường trú An Giang) bị bắt giữ.

 

Tại cơ quan điều tra, tài xế H. thừa nhận toàn bộ hành vi rút ruột container và khai thêm ba lần thực hiện trót lọt trước đó với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng. Bản thân H. được hưởng lợi 110 triệu đồng. H. khai trước đó không hề có ý chủ động ăn cắp hàng, nhưng bị một số đối tượng dụ dỗ nên nảy lòng tham.

 

Những lần sau, H. chủ động liên lạc với các đối tượng khác để rút ruột container. Các vụ ăn cắp đều diễn ra nhanh chóng tại các khu vực vắng vẻ vùng ven như Bình Chánh, Thủ Đức (TP.HCM). Khi chở hàng đến những điểm trên, H. chỉ cần bỏ xe lại, đi uống cà phê. Khoảng một giờ sau, H. quay lại nhận tiền hưởng lợi từ việc giả vờ “mất cảnh giác”.

 

Trước đó, một công ty xuất khẩu điều tại TP.HCM mất hơn 6 tấn điều nhân khi xuất hàng qua Thái Lan, dù trên xe vận tải có lắp đặt thiết bị định vị toàn cầu GPS. Mặc dù biết xe có dừng trên tuyến quốc lộ 1A khoảng một giờ, nhưng đơn vị này không kiểm tra lại do thấy container không có dấu hiệu gì khác biệt.

 

Chỉ đến khi các đối tác Thái Lan thông báo lô hàng thiếu số lượng lớn thì cũng là lúc tài xế trốn mất, hồ sơ cá nhân của kẻ gian được làm giả hoàn toàn. Công ty phải chấp nhận bồi thường hơn 2,5 tỉ đồng cho đối tác để giữ uy tín.

 

Được cảnh báo nhiều lần về tình trạng “ăn hàng”, nhiều công ty chấp nhận tốn thêm chi phí cử người giám sát quá trình vận tải hàng từ công ty đến cảng. Tuy nhiên, mới đây một công ty xuất khẩu điều khác tại Tây Ninh đã mất liên tiếp lượng hàng lớn trong bảy container giá trị đến gần 4 tỉ đồng. Đến nay, người vận tải lô hàng đã bỏ trốn.

 

Kẻ trộm lần lượt sa lưới

 

Theo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay đơn vị tiếp nhận hàng chục vụ rút ruột container xảy ra. Không chỉ dừng lại ở việc lấy cắp cao su, tiêu, điều, các đối tượng chuyên rút ruột container chuyển qua trộm gỗ, vải, thủy sản đông lạnh... Đặc biệt, số lượng các vụ trộm ngày càng có chiều hướng gia tăng và hầu hết được thực hiện trên đường vận tải hàng hóa đến cảng.

 

Thủ đoạn của các đối tượng này là tìm cách dụ dỗ, liên kết với các tài xế tìm nơi vắng vẻ để “ăn hàng”. Việc mở container mà không ảnh hưởng đến các niêm chì không quá khó khăn. Chỉ với các dụng cụ đơn giản như: kìm sắt, khóa mở ốc, tuýp sắt, miếng vải jean... kẻ gian có thể mở các chốt niêm chì, thậm chí phá bung các cánh cửa container. Sau khi lấy hàng trót lọt chúng dùng bình xịt sơn cùng màu, đất cát để “hóa trang” cho thùng hàng trở lại như cũ. Các đối tượng “ăn hàng” container còn mang theo cân bàn để bán hàng tại chỗ.

 

Mới đây, sau thời gian theo dõi, mật phục tại cây xăng trên quốc lộ 1A, phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, đội 4 PC45 Công an TP.HCM đã bắt quả tang năm đối tượng đang trộm hạt điều, bột mì với số lượng lớn. Các đối tượng này cũng thừa nhận đã thực hiện hàng loạt vụ rút ruột container trước đó.

 

Trung úy Lê Văn Thanh Tâm, đội 4 PC45 Công an TP.HCM cho biết đã có nhiều vụ trộm bị cơ quan chức năng triệt phá, tuy nhiên hiện nay các vụ rút ruột container vẫn diễn ra phổ biến. Chiêu thức trộm không mới, chủ yếu xuất phát từ sự sơ suất của chủ hàng và lỏng lẻo trong quản lý lái xe của đơn vị vận tải. Việc mất cắp bị phát hiện khi hàng đã được vận chuyển đến đối tác. Do đó, sẽ rất khó cho cơ quan điều tra cũng như đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm cho chủ hàng.

 

“Bên cạnh việc cử người tin tưởng áp tải theo xe để tự bảo vệ, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có thêm động tác yêu cầu cảng cân trọng lượng, soi container trước khi xuất cảng. Với hai động tác này, kẻ gian khó lòng thực hiện trộm hàng và việc điều tra được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi” - ông Tâm cho biết.

 

 Sẽ có dịch vụ cân container

 

Ông Đặng Hoàng Giang, tổng thư ký Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết để rút ruột container không bị phát hiện, nhóm trộm cắp sau khi có sự hỗ trợ của lái xe thường mua chuộc (hoặc chuốc thuốc mê) cán bộ áp tải hàng của các công ty tại các điểm dừng chân trong quá trình vận chuyển hàng. Sau đó những người này dùng kìm cộng lực, đèn khò và các thiết bị hỗ trợ bấm ngay vít chốt của gạt khóa cửa container để cửa container vẫn mở mà niêm chì còn nguyên vẹn.

 

Trước tình hình cao su xuất khẩu trong container bị rút ruột, Hiệp hội Cao su VN (VRA) vừa có công văn gửi Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp chống mất cắp hàng xuất khẩu. Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết sẽ quy hoạch riêng khu vực chuyên đóng hàng cao su xuất khẩu có lực lượng bảo vệ 24/24 giờ. Sau khi đóng hàng, Tân Cảng sẽ cung cấp dịch vụ cân container trực tiếp tại bãi đóng hàng.

Trần Mạnh

 

Theo Lê Sơn

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm