"Rửa" cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc
Cá tầm nhập lậu vào VN với giá rẻ bằng một nửa trong nước, được ném xuống ao ta một thời gian rồi vớt lên bán với cái danh cá tầm ta, bán bằng giá cá tầm ta.
Khoai tây Trung Quốc có dư lượng thuốc cao gấp 16 lần quy định, được rửa và nhuộm cho giống với khoai tây Đà Lạt để bán giá cao.
Gà loại thải từ nước ngoài nhập lậu vào, mỗi con gà là một túi thuốc (kích đẻ, siêu trứng, kháng sinh). Chúng được một số người dân thả chung vào đàn gà ta vài hôm, rồi đưa ra bán như… đúng rồi, với giá bằng giá gà xịn.
Tại sao cá tầm, khoai tây, gà lậu vào nước ta vèo vèo ngon trớn? Tại sao chúng hòa nhập tốt, lẩn được vào đàn gà ta để thành gà tre, chui xuống mặt nước ao ta để biến thành cá tầm nội, nhảy vào máy rửa - nhuộm để thành khoai tây Đà Lạt mang sắc đỏ đặc trưng? Chung quy cũng vì hám lợi. Hàng lậu gần như được một số người tham lam trải chiếu hoa mời vào nhà vào đất vào nước rồi đồng lõa biến thành hàng nội.
Kết quả kiểm tra của Tổng cục Thủy sản cho thấy, thời gian gần đây thương nhân Trung Quốc câu kết một số người VN mở các trại cá tại VN. Các trại cá này đóng vai trò là “trạm trung chuyển” để rửa nguồn gốc cá nhập lậu.
Nhu cầu của người Việt với gà, khoai tây và cá tầm đang ở mức cao. Mỗi ngày, nhà sản xuất trong nước chỉ bơm ra thị trường được 3 tấn cá tầm thương phẩm, còn cá tầm Trung Quốc mỗi ngày nhập về 10 -15 tấn. Khoai tây Đà Lạt chỉ trồng được mỗi vụ đông, còn mua khoai tây Trung Quốc kéo dài gần như cả năm. 25 tấn gà Yên Thế/ngày chỉ là muối bỏ bể so với sức ngốn của hơn 7 triệu dân Hà Nội.
Nông sản lậu đi bằng đủ phương tiện và loại hình giao thông: Khoai tây đi vào qua cửa khẩu Lào Cai, cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cảng biển Sài Gòn, cá tầm bay bằng máy bay, gà lậu vượt sông bằng thuyền rồi từ biên giới đi bằng xe máy, xe tải và cả ô tô xịn về các tỉnh, thành.
Nội công, ngoại kích như thế, nhu cầu như thế, nông sản ta không liêu xiêu trên sân nhà mới là chuyện lạ.
Cách nào rửa nỗi đau này? Có lẽ, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã gợi ra phần nào câu trả lời, khi ông nói trên báo về nạn cá tầm lậu: “Hành vi rửa cá phải bị coi là hành vi sản xuất hàng giả”.