Bình Định:

Rời chốn phồn hoa vào rừng nuôi heo thu tiền tỷ

(Dân trí) - Với mô hình trang trại tổng hợp nuôi heo, tôm, trồng trọt kết hợp với buôn bán thức ăn thủy sản…, gia đình bà Nguyễn Thị Thắm (56 tuổi, trú thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đạt tổng doanh thu trên hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Rời chốn phồn hoa vào rừng nuôi heo thu tiền tỷ

Người phụ nữ dám nghĩ dám làm

Người dân sống gần chân đèo Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn), ít ai lại không biết tỷ phú trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Thắm. Dừng chân ngay dưới chân đèo Lộ Diêu, liền kề là vườn chuối bạt ngàn rộng gần hơn 3ha liên tục cho thu hoạch cũng là của gia đình bà Thắm, nhưng cơ ngơi của gia đình bà thì nằm tít lưng chừng đồi.

Bà chủ trang trại Nguyễn Thị Thắm (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp
Bà chủ trang trại Nguyễn Thị Thắm (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) làm giàu từ mô hình trang trại tổng hợp

Theo bà Thắm, trước đây, gia đình bà phải hì hục cày cuốc trên 7 sào ruộng để trồng lúa nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Ngoài làm ruộng, hàng ngày bà con phải vượt cả chục cây số đường đèo dốc quanh co qua thôn Lộ Diêu buôn bán tạp hóa. Khi đi ngang qua đoạn chân đèo Lộ Diêu, bà thấy khu vườn có nước tự nhiên chảy từ núi rất dồi dào nên quyết định mua đất dưới chân đèo rời khu đông dân cư vào núi làm trang trại. Tuy nhiên, ý tưởng vào nơi heo hút để làm trang trại lập tức chồng con phản đối quyết liệt. Phải mất thời gian dài lên ý tưởng cụ thể thì chồng con mới đồng ý. Đầu năm 2012, gia đình bà Thắm dắt díu nhau sống ở dưới chân đèo Lộ Diêu để làm trang trại.

“Khi mới lên khu vườn còn um tùm, mô đất nhấp nhô, gia đình phải đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng thuê máy ủi, cải tạo mặt bằng và xây dựng trang trại nuôi heo với số lượng 700 con. Sau 1 năm thì việc nuôi heo thất bại do giá cả tụt dốc không phanh, dịch bệnh… phải chịu lỗ đến 500 triệu đồng. Thời điểm đó, vợ chồng cứ nghĩ sẽ lâm nợ nần nên buông tay luôn”- bà Thắm nhớ lại.

Thế nhưng “thất bại là mẹ thành công”, sau lần thất bại nhớ đời, bà Thắm tìm đến khắp các trang trại gần xa để học hỏi kinh nghiệm. Sau những chuyến đi ấy, bà Thắm rút ra bài học để nuôi heo hiệu quả thì ngoài con giống thì vấn đề cải thiện môi trường sạch sẽ chuồng trại là điều cốt yếu.

“Sau lần đó, tôi đầu tư cho xây dựng ống ngầm để dẫn chất thải chăn nuôi ra phía sau rừng nên không có mùi hôi thối. Đồng thời, chuồng trại được vệ sinh 2 lần/ngày. Chuồng trại sạch sẽ dịch bệnh ít, heo ăn xong là ngủ thì sẽ nhanh lớn hơn. Đặc biệt, người nuôi heo cần quan tâm đến tình hình dịch bệnh. Khâu phòng trừ bệnh rất quan trọng nếu để xảy ra dịch thì coi như mất cả vốn lẫn lãi”- bà Thắm chia sẻ.

Vườn chuối bạt ngàn và trên 18ha keo nguyên liệu giấy của gia đình bà Thắm
Vườn chuối bạt ngàn và trên 18ha keo nguyên liệu giấy của gia đình bà Thắm

Bà Thắm chia sẻ thêm: “Nếu nuôi 600 con heo thịt/lứa, tôi cho ăn bằng máng ăn tự động nên rất ít tốn nhân công, chỉ cần 2 người. 1 con heo lúc mới bắt về nuôi khoảng 20 kg thì cho ăn 1 ngày 1kg bột, 1 chuồng 40 con thì đổ vào 40 kg thức ăn. Sáng hôm sau rồi mới đổ tiếp và tăng lần lên theo độ tuổi, không để thức ăn dư thừa, gây lãng phí”.

Theo bà Thắm nhẩm tính: Bình quân, mỗi năm trang trại heo của gia đình bà bán ra khoảng 1.200 con heo thịt với tổng doanh thu khoảng 6 tỷ đồng.

Không cho đôi tay ngừng nghỉ

Không chỉ nuôi heo, nhiều năm qua gia đình bà Thắm còn đang đầu tư nuôi 4 hồ tôm với tổng diện tích trên 5.000 m2, thuê hẳn 2 nhân công để nuôi, chăm sóc tôm. Theo bà Thắm, vụ tôm 2016 vừa thu hoạch, 2 ao tôm sau khi trừ chi phí thức ăn, công thuê người nuôi thì gia đình bỏ túi hơn 200 triệu đồng.

“Đó là tôi nhiều việc lu bu, chứ bán thức ăn tôm cho các hộ nuôi ở đây tôi biết vụ tôm vừa thu hoạch vừa qua có hộ lãi lớn đến hơn 1 tỷ đồng. Nhưng nuôi tôm cũng may rủi lắm, nếu được mùa thì trúng đậm, nhưng bị dịch bệnh thì chỉ trắng tay”- bà Thắm chia sẻ.

1 lứa heo gia đình bà Thắm thả trên 600 con heo để dễ dàng cho việc chăm sóc, khi bán hết heo vệ sinh, khử trùng chuồng trại để hạn chế dịch bệnh
1 lứa heo gia đình bà Thắm thả trên 600 con heo để dễ dàng cho việc chăm sóc, khi bán hết heo vệ sinh, khử trùng chuồng trại để hạn chế dịch bệnh

Vừa nuôi tôm, gia đình bà Thắm kết hợp mở đại lý bán thức ăn thủy sản cho các hộ nuôi tôm tại địa phương. Mỗi năm lượng thức ăn cho tôm bán ra thị trường cả 350 tấn.

Nghề nuôi heo và nuôi tôm phát triển đem lại thu nhập “khủng” cho gia đình nhưng bà chủ trang trai không để đôi tay ngừng nghỉ. Tháng 12/2015, bà Thắm lại lặn lội vào Long Khánh (Đồng Nai) để mua 2.200 gốc chuối cấy mô và hơn 360 gốc dừa xiêm về trồng xen kẽ. Nhờ nguồn nước tự nhiên dồi dào, vườn chuối phát triển rất tốt, sai quả và đặc biệt chuối rất thơm ngon, ngọt.

“Tết vừa rồi vườn chuối đã cho thu hoạch, giá cả cao có lúc bán được 200.000 đồng/buồng nên thu lãi trên 30 triệu đồng. Tuy nhiên, chuối là loài cây rất dễ bị bệnh nấm, vàng lá.... nên việc chăm sóc phải rất cẩn trọng”- bà Thắm cho hay.

Ngoài trồng chuối, gia đình bà Thắm hiện có thêm 18 ha rừng trồng keo nguyên liệu giấy. Cứ 4-5 năm thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu cả trên 1 tỷ đồng. Theo bà Thắm, nếu tính doanh thu từ làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt và cả cơ sở buôn bán thức ăn cho tôm và heo thì mỗi năm gia đình bà có tổng doanh thu phải trên 20 tỷ đồng. “Gia đình tôi làm đủ mọi công việc, trồng trọt, chăn nuôi đủ loại nên cũng chẳng tính lời lãi bao nhiêu” - bà Thắm khiêm tốn.

Rời chốn phồn hoa vào rừng nuôi heo thu tiền tỷ - 4
Thời điểm hoàng kim gia đình bà Thắm nuôi tới hơn 10 hồ tôm
Thời điểm hoàng kim gia đình bà Thắm nuôi tới hơn 10 hồ tôm

Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, bà Thắm nói: “Làm cái gì cũng phải gặp thời và may mắn. May mắn gia đình tôi chọn được nơi làm trang trại có nguồn nước tự nhiên và khí hậu mát mẻ nên đã mang lại thành công bước đầu. Trong thời gian tới, gia đình tôi đang tính mở rộng thêm trang trại để nuôi heo, nhưng khó khăn nhất là diện tích đất không còn vì quanh đây là đồi núi cao”.

Doãn Công