Robot có lấy đi việc làm của hàng vạn người lao động Việt Nam?

(Dân trí) - Chuỗi tự động hoá đã trở nên phổ biến ở cả khối doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Cả 2 đều dự định tiếp tục đầu tư các công nghệ tiết giảm nhân công.

Đó là khẳng định của GS. Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ trong buổi công bố “Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019” diễn ra sáng nay (5/5) tại Hà Nội.

Robot có lấy đi việc làm của hàng vạn người lao động Việt Nam? - 1

GS. Edmund Malesky, Đại học Duke, Hoa Kỳ 

Theo báo cáo PCI-2019, có 4 động cơ thúc đẩy tự động hoá: Thứ nhất, doanh nghiệp áp dụng tự động hoá để kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Họ muốn sử dụng công nghệ cao để tăng khả năng bán hàng sang các thị thị trường phương tây và sử dụng các công nghệ có năng lực mạnh hơn, sử dụng nhiều robot hơn. 

Thứ 2, doanh nghiệp đầu tư vào tự động hoá để tiết kiệm chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động Việt Nam. Theo thời gian, các chi phí này đã tăng lên và các doanh nghiệp nhận thấy cần sử dụng robot hay các công nghệ tự động hoá để giải quyết vấn đề.

Lý do tiếp theo báo cáo nhắc tới là doanh nghiệp áp dụng tự động hoá để tự bảo vệ trước nguy cơ đình công, gây gián đoạn sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp này, tự động hoá được sử dụng như một phương thức bảo hiểm.

Và cuối cùng, cũng là điều gây ngạc nhiên, do các doanh nghiệp sử dụng tự động hoá để giảm tác động lên môi trường, bằng cách sử dụng các công nghệ xanh.

Theo GS. Edmund Malesky, việc tự động hóa sẽ tăng nhu cầu lao động ở một số ngành. Đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề cao hơn. Nhưng đồng thời tự động hóa sẽ tác động tiêu cực nhất với nhóm lao động không có hoặc thiếu kỹ năng.

“Một điều quan trọng nữa cần lưu ý là Covid-19 sẽ thúc đẩy xu hướng này gia tăng. Thất nghiệp kéo dài, giáo dục đào tạo bị gián đoạn sẽ khiến người lao động Việt Nam càng khó đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư”, GS khẳng định.

Khi điều tra cụ thể các doanh nghiệp về mức độ và quy mô áp dụng tự động hoá của họ thì được biết, khoảng 2/3 doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn FDI đã áp dụng tự động hoá ở một mức độ nào đó. 75% doanh nghiệp đang có kế hoạch tự động hoá thêm các công việc mới trong vòng 3 năm tới.

Về mức độ tự động hoá, khoảng 10% doanh nghiệp dân doanh cho biết đã tự động hoá 10% công việc và có kế hoạch sẽ tự động hoá 25% công việc. Các ngành có tỷ lệ tự động hoá cao nhất là các ngành điện tử, sản xuất đồ nội thất, máy tính.

Lý do các doanh nghiệp muốn tự động hoá theo điều tra của báo cáo là bởi, họ muốn giảm chi phí, tiếp cận thị trường mới, tham gia chuỗi cung ứng, cải thiện tuân thủ môi trường. Trong đó, giảm chi phí là câu trả lời phổ biến nhất.

Tác động của tự động hoá tới việc làm

Theo GS. Edmund Malesky, việc làm sẽ giảm ở mức độ nhất định và doanh nghiệp tư nhân có thể sẽ giảm số lao động khi chuyển sang tự động hoá.

Song, đối với các doanh nghiệp FDI lại có phần lạc quan hơn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn dự định tăng lao động. Đặc biệt là lao động có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc trình độ cao.

“Còn đối với những ngành phụ thuộc vào nguồn nhân lực có chuyên môn thấp thì dự báo sẽ có tình trạng giãn nhân công và gián đoạn trên thị trường lao động”, GS cho nhận định.

Trước những sự ảnh hưởng của tự động hoá tới việc làm của người lao động, GS của đại học Duke đã khuyến nghị một số chính sách.

Theo đó, đầu tiên là cách tiếp cận chính sách hiện đang đi đúng hướng, và Việt Nam cần kiên trì với hướng đi này. Chính sách cải cách giáo dục đã triển khai cùng với chương trình giáo dục phổ thông mới đang đi đúng hướng trong việc cung cấp cho người Việt những kỹ năng mới cần có để tồn tại trong thị trường lao động công nghệ cao.

Chính phủ cần cải thiện lĩnh vực đào tạo dạy nghề bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng trước khi xây dựng chương trình đào tạo. ĐIều này sẽ giúp cải thiện khả năng được tuyển dụng của người lao động để bắt kịp với xu hướng tự động hoá.

Khuyến nghị thứ 2 theo ông Edmund Malesky đó là, luật lao động mới được sửa đổi có những quy định về điều kiện lao động và quan hệ lao động rất tiến bộ. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ đình công và doanh nghiệp sẽ không phải áp dụng tự động hoá như một phương án bảo hiểm.

“Chính phủ Việt Nam cần chú trọng đến việc giảm tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở cấp địa phương. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ phải tự đầu tư vào công nghệ xanh và tự động hoá để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ông Edmund Malesky nói.

Và cuối cùng theo vị này, đào tạo về kinh doanh và quản lý có vai trò rất quan trọng trong giai đoạn hậu Covid-19. Khi các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và lao động trở lại với thị trường lao động, họ cần có những kỹ năng cần thiết để đưa Việt Nam vào một kỷ nguyên mới.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm