Ráo riết săn lùng vi cá mập
Gần đây, khi nghe thông tin ngư dân liên tiếp bắt được cá mập gần bờ, giới buôn bán vi cá mập từ nhiều nơi đổ về Bình Định để săn lùng, tìm mua những bộ vây của loài cá hung dữ này.
Từ “thủ phủ” mua bán vi cá mập…
Gia đình bà Lê Thị Dốn ở thôn Nhuận An, xã Hoài Hương là một trong những đại lý mua bán vi cá mập nổi tiếng ở miền Trung. Theo bà Dốn, gia đình bà làm nghề mua bán vi cá mập đã gần 30 năm nay. “Trước đây, gia đình tôi làm ruộng, sau đó, thấy người ta ra Đà Nẵng mua vi về bán, tôi cũng đi theo. Dần dần tôi học nghề rồi quen với nhiều đầu mối làm ăn ở các tỉnh như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng và các tỉnh ở miền Tây Nam bộ”, bà Dốn kể.
Hiện nay, các đầu nậu ở Bình Định và các tỉnh mua gom vi cá mập rồi chuyển đến cho gia đình bà Dốn, sau đó, bà chuyển vào TP.HCM giao cho các đầu mối lớn để chế biến, xuất sang nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc.
Mùa cao điểm câu cá mập diễn ra từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Trong thời điểm này, mỗi tháng, đại lý của bà Dốn mua gom được vài tạ vi tươi, còn hiện nay, mỗi tháng bà Dốn mua gom ít nhất khoảng vài chục ký vi tươi.
Đại lý bà Mười Hộp ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương cũng là một trong những đầu mối mua bán vi cá mập nổi tiếng ở Bình Định. Gia đình bà Hộp vừa làm đầu mối mua gom, vừa tổ chức chế biến, lấy cước vi cá để cung ứng cho các công ty xuất khẩu. Hiện nay, đại lý của bà Mười Hộp hút phần lớn nguồn hàng cá mập cập cảng Tam Quan Bắc và nhiều địa phương ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, hàng chục gia đình khác ở Hoài Hương làm nghề lấy cước vi cá, rồi bán sản phẩm lại cho đại lý của bà Mười Hộp.
Ông Lê Văn Tám, làm nghề lấy cước vi cá ở Thạnh Xuân Tây, xã Hoài Hương, nói: “Để có hàng làm thường xuyên, gia đình tôi giữ liên lạc với các tàu cá và cho người đi đến nhiều nơi để mua vi. Do phần lớn tàu thuyền chuyển sang đánh bắt cá ngừ, nên nguồn hàng cá mập ngày càng khan hiếm, giá vi ngày càng cao”. Theo ông Tám, cứ 3kg vi tươi sơ chế được 1kg vi khô; từ 5 – 6kg vi khô mới lấy được 1kg cước.
Theo giới mua bán vi cá mập, tuỳ theo loại cá, trọng lượng, kích thước, một bộ vây tươi có giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng.
“Nhất giống, nhì đao, tam cào, tứ mập”, giới kinh doanh vi cá mập truyền nhau câu nói này, trong đó, cá mập giống - loài duy nhất trong họ cá mập chỉ có ba vây - có giá trị nhất, luôn được bán nguyên bộ vây với giá vài chục triệu đồng mỗi bộ. Các loài còn lại đều có bốn vây, mua bán bằng cân ký, có mức giá từ 2 – 5 triệu đồng/kg vây tươi.
Hiện cước cá có mức giá từ 15 – 30 triệu đồng/kg, tuỳ chất lượng. Do giá trị cao, gần đây, đã xuất hiện tình trạng sử dụng da cá để làm giả cước. Với những loại cước giả này, dân trong nghề dễ dàng nhận ra, tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó nhận biết, chỉ đến khi mang về sử dụng mới phát hiện vì chỉ mới nhúng nước sôi, những sợi cước giả này đã bị nhão, còn vi cá thật phải hầm từ 3 – 4 giờ.
… đến những đường dây mua gom
Phải qua nhiều người giới thiệu, chúng tôi mới tiếp cận một số đường dây chuyên mua gom vi cá mập để xuất khẩu tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) và thành phố Quy Nhơn (Bình Định).
Theo bà Dính, chủ đại lý mua bán vi cá mập ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tại cảng Tam Quan Bắc thường xuyên có một lực lượng chờ mua vi cá mập từ các tàu cá cập bờ. Một số đại lý còn ứng tiền trước cho các chủ tàu để khi câu được cá mập thì bán cho họ. Nhiều khi nguồn hàng khan hiếm, các đại lý đua nhau đẩy giá lên rất cao.
Ông Trần Văn Thuần, chuyên mua vi cá tại xã Tam Quan Bắc cho biết, các đầu mối lớn tại TP.HCM đã lập các điểm thu mua nhỏ tại xã Tam Quan Bắc để mua vi cá.
Tại thành phố Quy Nhơn cũng có không dưới mười đường dây mua bán vi cá mập; mỗi đường dây có hệ thống đại lý, các đầu nậu, đầu mối mua gom liên lạc thường xuyên với hàng chục chủ tàu cá để giữ mối hàng. Sau khi mua được bộ vây cá mập, các đường dây này thuê người sơ chế ngay tại địa phương, hoặc gởi ngay theo xe vào TP.HCM.
Bà Nguyễn Ngọc Hân, chuyên mua bán vi cá ở phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn cho biết: “Gần đây, khi nghe thông tin ngư dân bắt được nhiều cá mập ở gần bờ biển Quy Nhơn, các thương lái đổ về đây nhiều hơn để tìm mua vi cá, vì họ cho rằng, cá mập đang vào gần bờ sinh sản, số lượng cá mập bắt được sẽ nhiều hơn”, bà Hân nói.
Bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng chi cục Khai thác – bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Bình Định, nói: “Hiện nay, chưa có quy định cấm đánh bắt, buôn bán cá mập. Do đó, việc đánh bắt, mua bán cá mập của ngư dân diễn ra bình thường. Việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chỉ quy định về kích thước mắc lưới, hạn chế ngư dân đánh bắt thuỷ sản quá nhỏ”.
Theo Uyên Thu
SGTT