Rao các món nợ chỉ vài triệu đồng, ngân hàng nói: "Chúng tôi đã bán hết!"

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Đại diện VietinBank khẳng định, các món nợ cho vay tiêu dùng, có món chỉ vài triệu đồng mà ngân hàng rao bán đã được doanh nghiệp "mua hết sạch".

Sẽ còn rao bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng

Chiều 1/6, trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện VietinBank cho biết ngân hàng đã bán xong 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân đã rao trước đó.

"Một doanh nghiệp đã mua hết lô nợ này", đại diện VietinBank khẳng định và cho biết không thể tiết lộ về tên khách hàng. 

"Theo điều khoản bảo mật, khách hàng đó yêu cầu không tiết lộ danh tính ra ngoài. Tôi có thể khẳng định lô nợ đó đã bán hết, khách mua là một doanh nghiệp. Trên thực tế những món nợ mà chúng tôi vừa rao bán không lớn so với nhu cầu của họ", vị đại diện nói.

VietinBank được biết đến là ngân hàng đầu tiên công khai rao bán các món nợ cho vay tiêu dùng. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân có dư nợ cả gốc, phí và lãi mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng.

Đặc biệt, các khoản nợ vay tiêu dùng này không có tài sản bảo đảm và giá bán khởi điểm bằng đúng với giá trị ghi sổ. Ngân hàng cũng yêu cần tiền đặt trước của khách hàng có nhu cầu mua khoản nợ bằng đúng với giá bán khởi điểm.

Tổng dư nợ cũng như giá khởi điểm của lô nợ là hơn 75,5 triệu đồng. Số nợ này đã được trả bớt phần nào do ngay trước đó một tuần tổng dư nợ và giá khởi điểm của số nợ là hơn 83,1 triệu đồng.

Rao các món nợ chỉ vài triệu đồng, ngân hàng nói: Chúng tôi đã bán hết! - 1

Các món nợ cho vay tiêu dùng mà VietinBank vừa rao bán.

Trước đó, ngân hàng Vietinbank cũng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản bảo đảm của 15 cá nhân khác với tổng dư nợ lên tới hơn 166 triệu đồng. Khoản nợ cao nhất lên tới hơn 44,3 triệu đồng.

Đại diện VietinBank cho biết, việc rao bán khoản nợ vay tiêu dùng là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Các món nợ này có thể là nợ xấu hoặc nợ chưa xấu, việc ngân hàng rao bán nguyên giá trị sổ sách là vì ngân hàng muốn tối ưu hóa lợi nhuận.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục bán các khoản nợ tương tự, những món nợ phù hợp với nhu cầu của thị trường", vị đại diện này tiết lộ.

Người mua nợ là các công ty tài chính tiêu dùng?

Đánh giá về việc VietinBank rao bán các món nợ cho vay tiêu dùng, Giám đốc Trung tâm quản lý rủi ro của một ngân hàng thương mại Nhà nước cho rằng đây là một "ý tưởng hay".

Vị này cho biết, trong quá trình theo dõi về cho vay và xử lý nợ xấu, nhận thấy hồ sơ các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo mà các tổ chức tín dụng Nhà nước thẩm định, xử lý để cho khách hàng vay thường đầy đủ và đảm bảo hơn đối với nhóm ngân hàng tư nhân.

"Chúng ta thường nhận được tin nhắn của công ty tài chính tiêu dùng có thể cho vay tới 100 triệu đồng không cần tài sản đảm bảo, nhưng khi họ xử lý thu hồi nợ cũng khác với các ngân hàng thương mại Nhà nước. Họ rất mạnh tay, khách chỉ cần quá hạn là họ đã chuyển hồ sơ cho công ty thu nợ để thực hiện thu hồi", Giám đốc Trung tâm quản lý rủi ro nói.

Đề cập tới thực tế thu hồi nợ tại ngân hàng mình, vị Giám đốc cho biết ngân hàng "chưa thực hiện biện pháp bán nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo như một số ngân hàng gần đây rao bán, nhưng tôi thấy đây là một biện pháp hay. Bởi những khoản nợ này ở tổ chức tín dụng Nhà nước có thể không thu hồi được nhưng công ty tài chính tiêu dùng mua lại chắc chắn có khả năng thu hồi nợ tốt".

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu để rà soát và thực hiện. Còn hiện nay, ngân hàng tôi đang bán nợ ra thị trường các món nợ có tài sản đảm bảo cho các đơn vị như: VAMC, DATC hoặc một số tổ chức có chức năng mua bán nợ", vị đại diện này chia sẻ.

Vậy ai sẽ mua những khoản nợ cho vay tiêu dùng? Vị Giám đốc đốc nhận định đối tượng mua các món nợ cho vay tiêu dùng từ ngân hàng có thể là các công ty tài chính tiêu dùng. Vì các công ty này đang nhìn vào khách hàng của ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại Nhà nước để cho vay.

Nữ Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần Nhà nước cho biết, hiện có một thực tế là các công ty tài chính tiêu dùng nhìn thấy khách hàng nào được ngân hàng cho vay tiêu dùng họ sẽ tự động cho vay luôn, không cần thẩm định hồ sơ vay vốn. Bởi các ngân hàng, nhất là ngân hàng trong nhóm "Big 4" quản lý rất chặt về nguồn thu và các tổ chức tín dụng Nhà nước sợ nhất là nợ xấu.

"Các ngân hàng một ngày đẹp trời thấy nợ của mình phát sinh nợ xấu, khi truy ra thì thấy khoản vay ở một công ty tài chính bị nợ xấu. Chúng tôi rất đau đầu, các khoản vay không lớn nhưng cứ phải bỏ nguồn nhân lực ra để kiện, đi trao đổi để thu hồi thì rất mất thời gian", vị Phó Tổng Giám đốc chia sẻ.

Vậy nên theo bà, "việc rao bán nợ cho vay tiêu dùng cũng là một hướng để các ngân hàng có thể giải quyết được các nhu cầu cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ trong trường hợp khách hàng có khoản vay bị chuyển nợ xấu, vì nhiều nguyên nhân mà ngân hàng đã đòi nhưng khách hàng không hợp tác, chây ì trả nợ".