Ngân hàng rao bán khoản nợ vài triệu đồng: Ai mua?

Nguyễn Hiền

(Dân trí) - Về chuyện ngân hàng rao bán nợ vay tiêu dùng, có món chỉ vài triệu đồng, trong khi giới chuyên gia đặt nghi vấn "ai sẽ mua khoản nợ này" thì ngân hàng khẳng định các món nợ rao bán "đã có người mua".

Ai mua nợ để rồi đi đòi nợ?

Mới đây, VietinBank đăng tải thông tin rao bán 9 khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của các cá nhân; dư nợ cả gốc, phí và lãi mỗi khoản dao động từ gần 1,5 triệu đồng đến hơn 16 triệu đồng. Các khoản nợ đều không có tài sản bảo đảm. Tổng dư nợ cũng như giá khởi điểm của lô nợ là hơn 75,5 triệu đồng.

Số nợ này đã được trả bớt phần nào do ngay trước đó một tuần, tổng dư nợ và giá khởi điểm của số nợ này là hơn 83,1 triệu đồng.

Thông tin về việc rao bán nợ cho vay tiêu dùng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ trước đây, người ta chỉ nghe thấy ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo như: đất, nhà, xe, phân xưởng, thậm chí là bình ga. Nhưng việc "ngân hàng rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng không tài sản đảm bảo và nợ bán có thể không phải chỉ nợ xấu mà là cả nợ tốt là một hiện tượng khá lạ", một chuyên gia nhận xét.

Ngân hàng rao bán khoản nợ vài triệu đồng: Ai mua? - 1

Hết rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo như đất, nhà, xe, phân xưởng, bình ga, ngân hàng bán cả món nợ vay tiêu dùng (Ảnh minh họa).

TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho biết thực tế việc bán nợ của các ngân hàng cho nhau ở các nước phát triển là không mới. Khi một ngân hàng đã đạt trần cấp tín dụng, họ sẽ bán cả nợ xấu và nợ tốt cho ngân hàng nào cần tăng tín dụng. Tại Mỹ, việc ngân hàng bán nợ cho nhau rất phổ biến. 

"Việt Nam thì chưa có thông lệ về bán nợ tốt nên trường hợp như ngân hàng trên rao bán khoản nợ cho vay tiêu dùng có thể thấy khá lạ", ông Hiếu nói. 

Theo đánh giá của vị chuyên gia này, việc ngân hàng rao bán nợ cho vay tiêu dùng có thể do họ nhìn thấy rủi ro về món nợ cá nhân và muốn bán đi để bớt rủi ro. Tuy nhiên, thông thường khi bán những khoản nợ như vậy sẽ phải có tỷ lệ chiết khấu nhất định, có khi là rất cao. Nhưng trong trường hợp này, ngân hàng giữ nguyên giá trị sổ sách thì gần như không thể lý giải được "ai sẽ mua khoản nợ như vậy".

"Đã có người mua"

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một lãnh đạo ngân hàng giấu tên cho biết, việc rao bán các món nợ cho vay tiêu dùng đã có từ trước, chỉ là ở một số ngân hàng không công bố rộng rãi.

"Khi khách hàng cá nhân có khoản nợ quá hạn, ngân hàng hoàn toàn có thể rao bán theo Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước. Các món nợ này có thể là nợ xấu hoặc nợ chưa xấu", vị đại diện ngân hàng này nói.

"Theo đúng quy định, chúng tôi rao bán nó như những món nợ bình thường khác và trên thực tế, đã có người mua. Người mua những khoản nợ này sẽ thành chủ nợ và họ được đòi nợ theo quy định của pháp luật. Còn về việc ngân hàng rao bán nguyên giá trị sổ sách là vì ngân hàng muốn tối ưu hóa lợi nhuận, khi ngân hàng chưa tìm được khách mua hợp lý sẽ tiếp tục tìm kiếm, sẽ rao bán món nợ tiếp hoặc sẽ giảm giá các món nợ", vị đại diện này cho biết thêm.

Thực tế, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Trong một báo cáo vừa công bố, dựa vào phân tích báo cáo tài chính của 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank, các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng cùng với nợ hộ gia đình tăng cao đang là một mối lo ngại lớn đối với hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ dư nợ của nhóm khách hàng hộ gia đình tại 4 ngân hàng trên đã tăng từ 28% năm 2013, lên tới 46% trong năm 2020. Trong khi trước đó, tỷ lệ dư nợ lớn nhất luôn thuộc về nhóm công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn. Tỷ lệ dư nợ tăng cao của nhóm hộ gia đình đã làm gia tăng tương ứng quy mô nợ của nhóm này so với quy mô GDP, từ mức 25% lên 61%.

Mặc dù tăng trưởng nợ hộ gia đình giảm đáng kể vào năm 2020 nhưng mức độ vẫn còn cao. Tính theo lực lượng lao động, cho vay tiêu dùng thậm chí đã tăng vọt từ 41% thu nhập năm 2013 lên hơn 100% năm 2020.