1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Rao bán 14 cm Bướm đại ngàn giá 100 tỷ đồng: Sẽ kiểm tra

Cục thuế tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát những cuộc giao dịch lan đột biến. Đồng thời yêu cầu các nhà vườn lan kê khai thuế.

Chiêu thổi giá mới?

Ngày 14/9/2020, ông Trương Quốc Chính - chủ vườn lan Chính Trương tại Phú Thọ phát đi thông tin trên trang mạng xã hội cá nhân với thông tin sẽ giữ lại cây lan Phi điệp đột biến có tên Bướm đại ngàn do chính mình rao bán trước đó một ngày.

Trước đó, ông Chính rao bán cây lan đột biến Bướm đại ngàn dài 14cm với giá 100 tỷ đồng. Nhưng sau một ngày, không có ai chấp nhận với mức giá mà ông Chính đưa ra nên không có cuộc giao dịch nào đã được diễn ra.

Thông tin này được nhiều người quan tâm trong bối cảnh thời gian qua công an ở nhiều tỉnh thành trên cả nước phát đi thông tin cảnh báo về hiện tượng thổi giá lan đột biến tiền tỷ ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an ninh kinh tế, rửa tiền, ẩn họa nhiều mầm mống của tội phạm hoạt động.

Rao bán 14 cm Bướm đại ngàn giá 100 tỷ đồng: Sẽ kiểm tra - 1

Chủ cây lan Phi điệp Bướm đại ngàn rao bán cây dài 14cm giá 100 tỷ đồng.

Dư luận đặt ra nghi vấn, việc đưa giá trị cây lan Bướm đại ngàn lên mức "trên trời" chỉ là một chiêu trò nhằm lấy lại thị trường vốn đã trầm lắng khoảng gần 2 tháng nay sau những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ liên tục xuất hiện.

"Về mặt hoa Bướm đại ngàn, nhiều người nhận xét không có gì đặc sắc, thậm chí là xấu hơn cả lan Phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ, 5 cánh trắng Hà Tĩnh... Hiện nay, mới chỉ xuất hiện duy nhất hình ảnh 1 bông hoa Bướm đại ngàn nhưng lại bị méo mó, cánh hoa nhăn nheo" - anh Nguyễn Văn Hiền - một người chơi lan ở tỉnh Hải Dương nhận xét.

Theo anh Hiền, lan Phi điệp đột biến thường rất khó định giá. Bởi mỗi người đều có một quan điểm khác nhau, bởi tính đột biến nên nó thường mang tính duy nhất. Dựa vào cơ sở đó mà nhiều người tự đưa ra mức giá cực cao để quảng bá cho cây lan của mình mà không dựa trên một cơ sở nào.

"Trong các cuộc giao dịch lan, chúng tôi thường nói vui với nhau về sự "ngáo giá" của chủ cây. Cây là của họ nên họ muốn đưa ra mức giá nào là quyền của họ nhưng cần phải căn cứ vào thực tế, có người chấp nhận bỏ giá đó ra hay không lại là một chuyện khác" - anh Hiền bày tỏ.

Nói về việc 1 kie Bướm đại ngàn từng được giao dịch với giá 11 tỷ đồng vào tháng 8/2020, anh Hiền cho rằng, không thể nhìn vào số lượng tiền giao dịch trong thương vụ này để nhận xét giá trị thực được. Bởi, mục đích của cuộc giao dịch này ủng hộ cho phòng chống Covid-19, nó mang nhiều ý nghĩa từ thiện, đánh bóng tên tuổi hơn là giao dịch thật, đem lại lợi nhuận kinh tế cho cả người bán lẫn người mua.

Rao bán 14 cm Bướm đại ngàn giá 100 tỷ đồng: Sẽ kiểm tra - 2

Hình ảnh mặt hoa Phi điệp có tên Bướm đại ngàn.

Có thể xử lý hình sự nếu...

Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt ngày 14/9, đại diện Cục thuế tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị sẽ theo sát những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn để xác minh, truy thuế thuế để tránh thất thoát tiền thuế.

"Sau khi có nhiều thông tin cảnh báo về những cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến giá tiền tỷ, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo tới Cục thuế ở các tỉnh thành trong việc theo sát vấn đề này.

Phú Thọ là một trong những địa phương có nhiều vườn lan, giao dịch lan đột biến tiền tỷ trong thời gian qua. Những người mua - bán lan đột biến nói riêng, sản phẩm nông nghiệp nói chung luôn tìm cách để "né" nộp thuế nên cần phải có sự kiểm soát chặt và nhờ công an phối hợp trợ giúp" - vị này cho biết.

Khi nghe tới thông tin chủ vườn lan Chính Trương rao bán cây Bướm đại ngàn dài 14cm với giá 100 tỷ đồng, vị đại diện Cục thuế tỉnh Phú Thọ cũng phải giật mình thốt lên "sao giá cao thế!".

Đồng thời, vị này cho biết sẽ kiểm tra chính xác thông tin về thông tin này. Đồng thời sẽ tham mưu, yêu cầu cho Cục thuế tỉnh Phú Thọ thực hiện việc yêu cầu các nhà vườn lan trên địa bàn chủ động đi kê khai thuế, truy thu thuế từ những cuộc giao dịch tại các vườn lan.

"Nếu xác định người bán chỉ là cá nhân, sản phẩm đó do họ trồng ra mà không qua sơ chế thì không phải nộp thuế. Tuy nhiên, nếu ở mô hình nhà vườn, chắc chắn là mô hình kinh doanh, có mua và bán thì phải nộp thuế theo dạng "khoán" - hình thức nộp thuế thuê tháng, quý hoặc năm.

Nếu chủ nhà vườn cố tình không kê khai thuế hay có hiện tượng trốn thuế thì có thể xử phạt hành chính hoặc đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý về mặt hình sự" - vị này khẳng định.