TPHCM:
Rác ngoại tốt hơn... rác nội?!
(Dân trí) - Kiến nghị xin nhập khẩu phế liệu để chạy thử nghiệm nhà máy phân loại vật liệu tái chế tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) đã bị UBND TPHCM từ chối.
VWS là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, đầu tư xây dựng khu xử lý rác Đa Phước tại huyện Bình Chánh, TPHCM với các hạng mục như: bãi chôn lấp rác (đã hoạt động), nhà máy làm phân hữu cơ từ rác (đang làm thử nghiệm), nhà máy phân loại rác vô cơ để tái chế (vừa hoàn tất).
Bãi chôn lấp rác tại khu xử lý rác Đa Phước
Do nhà máy phân loại rác vô cơ vừa hoàn thành nên VWS đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường cho phép nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ về để chạy thử nhà máy. Phế liệu được đề nghị nhập khẩu là loại phế liệu hỗn hợp gồm các loại giấy loại, cac tông loại, bao bì nhựa chưa được băm cắt… (gọi nôm na là rác) để đưa vào hệ thống máy móc phân loại, xử lý hiện có của công ty tại khu xử lý rác Đa Phước.
Theo giải thích của VWS thì công ty phải xin nhập rác từ Mỹ về để chạy thử nghiệm hệ thống phân loại, xử lý rác vì rác ở TPHCM… không đạt yêu cầu. Yêu cầu của VWS là Sở TNMT phải giao cho VWS loại rác đã phân loại tại nguồn (tức gồm rác hữu cơ và rác vô cơ riêng biệt, chỉ có rác vô cơ mới tái chế được). Trong khi đó, rác tại TPHCM đều là loại hỗn hợp cả rác vô cơ và hữu cơ.
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các phế liệu được phép nhập khẩu phải được phân loại theo từng nhóm riêng biệt, bao bì nhựa phải được băm nát với kích thước mỗi chiều không quá 5cm… Còn rác như yêu cầu của VWS thì pháp luật Việt Nam không cho phép nhập khẩu.
Do đó, khi Sở TNMT đề nghị UBND TP xem xét kiến nghị của VWS thì UBND TP đã có văn bản từ chối. UBND TPHCM chỉ đạo Giám đốc Sở TNMT tạm ngưng xem xét, giải quyết thủ tục nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu nhựa và phế liệu giấy để vận hành thử nghiệm Nhà máy phân loại vật liệu tái chế của VWS.
Thực tế, để chuẩn bị “nguồn nguyên liệu” cho các nhà máy phân loại, tái chế rác vô cơ và sản xuất phân vi sinh từ rác hữu cơ, TPHCM đã phát động chương trình Phân loại rác tại nguồn từ năm 2004. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chương trình này rơi vào tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” và đến nay TPHCM vẫn chưa có rác đã phân loại tại nguồn cho các nhà máy này hoạt động.
Để giải quyết “nguồn nguyên liệu” cho nhà máy phân loại, tái chế rác trên, UBND TP yêu cầu Sở TNMT phối hợp với các sở-ngành và quận-huyện liên quan rà soát Chương trình phân loại rác tại nguồn để xây dựng phương án thực hiện khả thi, nhằm đẩy nhanh công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP.
Tùng Nguyên