Ra giêng ngân hàng thưởng Tết để tránh tiếng?
Sau đợt thưởng Tết cao ngất, gần đây một số nhà băng tiếp tục cho nhân viên "truy lĩnh" thu nhập năm 2011, mà theo nhiều người thì đó là thưởng Tết chia ra nhiều lần để tránh tiếng.
“Sống vì lương, giàu vì thưởng”
Giới ngân hàng thường có câu, "sống vì lương, giàu vì thưởng". Trên cơ sở quỹ lương hàng tháng nhân viên sẽ chỉ được nhận một phần trong tổng số lương, số còn lại sẽ được truy lĩnh "một cục" vào dịp cuối năm, hoặc sang đầu năm sau.
Đối với các ngân hàng TMCP mức ứng lương hàng tháng chỉ giao động từ 40 – 50% tổng số lương. Hầu như không có ngân hàng nào được ứng từ 70% tổng mức lương.
Một cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) tiết lộ, cũng như hầu hết các ngân hàng khác, hàng năm Vietinbank xây dựng một quỹ lương cố định từ lợi nhuận kinh doanh. Tùy theo quỹ lương của mỗi ngân hàng, nhân viên sẽ được “ứng lương” hàng tháng với mức khác nhau.
Năm 2011 nhân viên Ngân hàng Vietinbank được ứng khoảng 50% tổng số lương hàng tháng. Với một nhân viên có thu nhập 20 triệu đồng, hàng tháng nhân viên này sẽ lĩnh 10 triệu đồng (tương đương 50%). Số tiền thưởng trong các dịp lễ, tết, thưởng tháng, thưởng quý… sẽ được cộng dồn vào cùng với số tiền đã lĩnh hàng tháng.
Như vậy nếu hết năm, tổng lương thưởng chưa đạt mức bình quân 20 triệu đồng/ tháng thì sẽ được truy thu tiếp vào đầu năm sau. Chẳng hạn nếu tổng mức thu nhập trung bình trong năm (bao gồm cả lương, thưởng) chỉ đạt 15 triệu đồng/tháng, thì sẽ được truy thu thêm 5 triệu đồng/tháng. Nghĩa là tổng số tiền nhân viên đó nhận được sau Tết là 60 triệu đồng. Số tiền truy lĩnh này “khủng” chẳng kém so với số tiền thưởng Tết.
“Trong giới ngân hàng không có khái niệm thưởng Tết, tất cả đều được quy thành tổng mức thu nhập. Nếu mức thu nhập trung bình chưa đạt 100% thì sẽ được truy lĩnh cho đủ” – cán bộ ngân hàng Vietinbank tiết lộ.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2011 của Vietinbank, lương bình quân của cán bộ, nhân viên ngân hàng này vào khoảng 20,27 triệu đồng/tháng, thu nhập trung bình đạt 20,76 triệu đồng/tháng. Tổng quỹ lương trong năm 2011 của ngân hàng này là trên 4.402 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2011 của Vietinbank là 8.105 tỷ đồng, cao nhất trong số các ngân hàng. Tính đến hết quý IV/2011, tổng số cán bộ, nhân viên của Vietinbank là 18.094 người, tăng hơn 1.000 người so với năm 2010.
Nói về mức truy lĩnh lương tới đây, giới ngân hàng dự kiến năm nay sẽ tương đương hoặc còn cao hơn cả năm ngoái. Một nhân viên xuất sắc của ngân hàng BIDV dự kiến sắp tới đây sẽ truy lĩnh được khoảng 100 triệu đồng.
Chỉ tính tiền lĩnh dịp trong tết, mà thói quen gọi là thưởng Tết, giới ngân hàng đã được coi là có mức thưởng tết “khủng” nhất cả nước. Nếu tính cả mức truy lĩnh sau Tết thì mức độ “khủng” sẽ nhân lên gấp đôi.
Việc trả lương bằng hình thức này sẽ tránh được dư luận so sánh giữa mức thưởng Tết quá ngưỡng mộ của của giới ngân hàng với các ngành nghề khác trong thời buổi khó khăn.
Tuy nhiên cách tính và mức truy thu này chỉ được áp dụng với những ngân hàng “đại gia”, thuộc ngân hàng TMCP như: BIDV, Vietinbank, Vietcombank… Còn những ngân hàng ngoài quốc doanh khác thì tùy cơ ứng biến.
Anh T – một nhân viên ngân hàng vừa mới thành lập được vài năm cho biết, do quỹ lương thấp nên nhân viên trong ngân hãng truy lĩnh khoảng 70 – 80% tổng mức lương hàng tháng. Vì thế số tiền còn lại trong tổng quỹ lương sẽ được chi trả hết vào các dịp lễ, tết, (gọi là thưởng Tết) chứ không được truy lĩnh sau tết như các ngân hàng lớn.
Lãnh đạo ngân hàng "né" câu trả lời
Tìm hiểu thực hư sự việc, PV Infonet đã liên lạc với lãnh đạo một trong số ngân hàng thương mại cổ phần lớn được cho là có chế độ truy lĩnh lương cho cán bộ nhân viên. Trả lời câu hỏi của PV Infonet, ông Lê Đức Thọ - Phó tổng giám đốc Vietinbank phủ nhận thông tin này.
"Đấy chỉ là tin đồn thổi, chứ thu nhập tiền lương của anh em thế nào thì ngân hàng chi trả như thế, không có chuyện truy lĩnh lương gì cả" – ông Thọ khẳng định.
Lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh thêm, mọi quy chế lương, thưởng của ngân hàng đều theo đúng chính sách tiền lương của Nhà nước quy định đối với các doanh nghiệp, công ty cổ phần có vốn chi phối của Nhà Nước.
"Bản thân ngân hàng muốn làm khác cũng không thể, vì quy định này rất chặt chẽ. Chúng tôi luôn công khai, minh bạch mọi thông tin tài chính của ngân hàng trên các kênh truyền thông..." – ông Thọ nói.
Thực tế, với cách tính lương của khối DN Nhà nước hiện nay, đang tạo nên sự chênh lệch giàu – nghèo đáng kể trong xã hội. Có DN thì lương, thưởng cao ngất ngưởng như tại các "ông lớn" tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hay khối DN tài chính... Trái lại, khối DN sản xuất như da giày, dệt may... đóng góp không nhỏ vào gia tăng xuất khẩu của cả nước thì lương người lao động lại quá "hẻo" không đủ sống.
Bình luận về chuyện lương, thưởng "khủng" của khối ngân hàng, ông Nguyễn Tiến Tùng – Phó Chánh thanh tra Bộ Lao động thương binh xã hội cho rằng, thường các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn dựa vào Thông tư 27/2010 về hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, lên phương án xây dựng đơn giá tiền lương, trình Bộ Lao động thương binh xã hội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Theo văn bản này, DN phải đạt lợi nhuận theo kế hoạch năm sau cao hơn năm trước liền kề thì mới được tăng lương. Vì thế, mới có chuyện nhiều ngân hàng giấu lãi, vì nếu công bố toàn bộ lợi nhuận, nhỡ năm sau không đạt lợi nhuận như năm trước thì không được tăng lương cho cán bộ.
"Chưa thể khẳng định các ngân hàng có truy lĩnh lương hay không, phải thanh tra, kiểm tra mới kết luận cụ thể được" - ông Tùng nói.
Tuy nhiên, vị Phó chánh thanh tra cũng thừa nhận, thực tế hầu hết các ngân hàng đều xin được cơ chế trả lương thưởng cao để giữ chân cán bộ giỏi.
Còn nếu xét trên phương diện là người lãnh đạo "ai cũng muốn lương nhân viên lương cao, còn người lãnh đạo nào mà không muốn lương nhân viên cao thì người lãnh đạo đó kém. Làm thế nào để hiệu quả thì phải khuyến khích", ông Tiến Tùng nói.