Quý I, Masan có doanh thu 18.855 tỷ đồng, lợi nhuận tăng gấp đôi so với quý trước
(Dân trí) - Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý I/2024 của Tập đoàn Masan (MSN), doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng. Công ty này cũng đã hoàn tất huy động vốn cổ phần 250 triệu USD từ Bain Capital vào ngày 22/4.
Trong quý I/2024, doanh thu hợp nhất của MSN tăng trưởng nhẹ ở mức 18.855 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau phân bổ cổ đông thiểu số cho thấy động lực tích cực, tăng gấp đôi so với của quý IV/2023.
Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan Group ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (EBIT) tăng trưởng ở mức 69,7% so với cùng kỳ trong quý I/2024, khẳng định sự phục hồi tích cực của thị trường tiêu dùng và đà tăng trưởng của những thay đổi chiến lược trong nội bộ tập đoàn.
Masan đã hoàn tất thành công huy động vốn cổ phần 250 triệu USD từ Bain Capital vào ngày 22/4. Khoản đầu tư này sẽ tăng cường nguồn lực tài chính của Masan, nâng cao tính thanh khoản của công ty với lượng tiền mặt tăng thêm 6.228 tỷ đồng. Nợ ròng/EBITDA ước tính giảm về mức 3,7 lần. Masan cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược thay thế để giảm nợ, từ đó giúp giảm chi phí lãi vay.
Theo báo cáo của công ty vào cuối năm 2023, Masan đã phòng ngừa 100% rủi ro nợ dài hạn bằng đồng USD với các điều khoản hợp lý, phù hợp với chính sách quản lý rủi ro. Do đó, việc đồng USD tăng giá gần đây không gây ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của công ty.
The CrownX, nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp của Masan, hợp nhất MCH và WCM, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 14.152 tỷ đồng trong quý I/2024. EBITDA hợp nhất của TCX đạt 1.950 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần của MCH tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ lên 6.727 tỷ đồng trong quý I/2024. Điều này là nhờ doanh số bán hàng của các ngành hàng khác được cải thiện, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng hai con số được ghi nhận ở ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc cá nhân tại nhà với mức tăng lần lượt là 10,3%, 23,4% và 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng hàng tồn kho của MCH vẫn duy trì ở mức ổn định 16 ngày.
Biên lợi nhuận gộp của MCH duy trì ở mức 45,9% trong quý I/2024. Lợi nhuận thuần sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số của MCH tăng 31,5% lên 1.505 tỷ đồng trong quý I/2024 so với mức 1.144 tỷ đồng trong quý I/2023.
Trong quý I/2024, doanh thu thuần của WinCommerce tăng 8,5% so với cùng kỳ lên 7.957 tỷ đồng từ mức 7.335 tỷ đồng của quý I/2023 nhờ 40 siêu thị mini đã được mở mới, đạt mốc 3.667 cửa hàng. Siêu thị mini (WinMart+) có doanh thu thuần tăng 11,4%, đạt 5.364 tỷ đồng, siêu thị (WinMart) đạt 2.523 tỷ đồng trong quý I/2024, ghi nhận mức tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng doanh thu LFL trong quý I/2024 của WinMart+ và WinMart lần lượt là 6,4% và 4,2% so với cùng kỳ.
Cửa hàng WIN với định hướng "Point of Life" đạt mức tăng trưởng LFL 7,3% và tỷ lệ thâm nhập của thực phẩm tươi đạt 30,2%. Cửa hàng WinMart+Rural đạt tăng trưởng LFL là 11,2 %. Cả hai nhóm cửa hàng đều mang lại biên lợi nhuận thuần sau thuế dương.
Trong quý I/2024, WCM tiếp tục ghi nhận biên lợi nhuận gộp tăng, từ mức 22,1% trong quý I/2023 lên 24,1%. Biên EBITDA đạt 3,1% so với 1% trong quý I/2023, phản ánh mức tăng trưởng EBITDA tuyệt đối đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của Masan MEATLife (MML) tăng lên 1.720 tỷ đồng trong quý I/2024, tăng 7,5% so với quý I/2023. Kết quả này đến từ sự tăng trưởng của mảng thịt lợn có thương hiệu và mảng lợn trang trại, tăng tổng cộng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu từ trang trại gà giảm 29,7% so với cùng kỳ do MML tái cấu trúc để tối ưu chi phí.
Biên lợi nhuận gộp của MML tăng từ 11,7% trong quý I/2023 lên 23,3% trong quý I/2024 nhờ vào giá thịt lợn và gia cầm tăng cao. Mặt khác, mặc dù doanh thu thịt chế biến giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng biên lợi nhuận gộp lại tăng đáng kể từ 26,4% trong quý I/2023 lên 35,7% trong quý I/2024. Nhờ đó, biên EBITDA của MML tăng đáng kể, từ mức 1,7% trong quý I/2023 lên mức 7,2% trong quý I/2024.
Bất chấp môi trường vĩ mô thách thức, biên EBITDA của Phúc Long vẫn ổn định ở mức 15,8% trong quý I/2024 nhờ vào nỗ lực tái cấu trúc các ki-ốt hoạt động kém hiệu quả trong WCM, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của công ty.
Kết quả kinh doanh của Masan High Tech Materials (MHT) tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhu cầu khách hàng toàn cầu suy yếu. Tuy nhiên, hoạt động nổ mìn đã được mở lại vào cuối quý I/2024, cho thấy khả năng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới của MHT. MHT sẽ tiếp tục bán lượng đồng tồn kho với giá trị thị trường tính đến ngày 31/3/2024 là 90 triệu USD.
Techcombank, công ty liên kết của Masan, đóng góp 1.229 tỷ đồng vào EBITDA trong quý I/2024, tương ứng mức tăng trưởng 27,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, tập đoàn này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của WinCommerce, Masan MEATLife và Phúc Long hơn nữa để sánh vai cùng Masan Consumer. "Khả năng sinh lời sẽ là thước đo quan trọng trong 18 đến 24 tháng tới giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông", ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.