Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Đề xuất loạt định hướng, xoá bỏ bất cập

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chiều 11/11, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lần 2 Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Đề xuất loạt định hướng, xoá bỏ bất cập - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, các quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… trước đây đã được các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ, nên các quy hoạch này thiếu gắn kết.

Ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ đặt mục tiêu quy hoạch năng lượng lần này giải quyết việc phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng, đưa ra một quy hoạch “mở” hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng.

Trong những năm tới, xu thế phát triển năng lượng thế giới sẽ tập trung vào việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch năng lượng, thực thi mạnh mẽ các chính sách chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. 

Do vậy theo lãnh đạo Bộ Công Thương, phát triển năng lượng của Việt Nam trong thời kỳ nhập khẩu ròng năng lượng sẽ ngày càng chịu nhiều tác động của các xu thế năng lượng toàn cầu.

Bên cạnh đó, với vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ phải thực thi các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tất cả những yếu tố trên theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cần được mô hình hóa và tính toán một cách hài hòa trong kịch bản phát triển năng lượng tổng thể.

Cũng theo Bộ Công Thương, các quy hoạch phát triển của từng phân ngành năng lượng như điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo… trước đây đã được các cơ quan khác nhau lập riêng rẽ, nên các quy hoạch này thiếu gắn kết, không tạo ra được một bức tranh chung cân đối và hài hòa về các mục tiêu mà chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đề ra. 

Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Đề xuất loạt định hướng, xoá bỏ bất cập - 2

Hơn nữa, những quy hoạch riêng rẽ tập trung nhiều vào phía cung cấp và ít chú ý vào phía tiêu thụ năng lượng, do đó, khó đưa ra một tầm nhìn tổng thể về vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng - một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá nhu cầu năng lượng quốc gia và triển khai các kế hoạch thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính trong Báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Đề xuất loạt định hướng, xoá bỏ bất cập - 3

Hội thảo có sự tham gia đông đảo đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan, các Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế.

Chính vì vậy theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quy hoạch tổng thể năng lượng lần này cần đưa ra phương án phát triển kết cấu hạ tầng năng lượng tối ưu cho quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng, do đó, việc lập quy hoạch theo lãnh đạo Bộ Công Thương, cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc đồng bộ và đảm bảo tính tương thích với các quy hoạch quốc gia trên và ngang cấp. 

Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện Viện năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1997-2019 trung bình đạt 6,8%, cao hơn đáng kể mức tăng trung bình của thế giới là 3,0%.

Theo đó, tăng trưởng năng lượng trung bình hàng năm trong giai đoạn này cũng ở mức tương tương ứng. Trong đó, năng lượng sơ cấp là 6,5%; Năng lượng cuối cùng là 4,5%; Điện thương phẩm là 10,5%.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng: Đề xuất loạt định hướng, xoá bỏ bất cập - 4

Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp.

Về định hướng chính sách năng lượng, đại diện Viện năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng cần định giá năng lượng hiệu quả theo cơ chế thị trường đưa ra tín hiệu giá đúng đắn điều chỉnh các hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng. Đồng thời từng bước xóa bỏ trợ giá trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng; từng bước hình thành các thị trường năng lượng nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động cung cấp và sử dụng năng lượng. 

Theo đại diện Viện này, định hướng chính sách năng lượng cũng cần lưu ý tới chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững như khai thác tài nguyên năng lượng ở mức độ vừa phải, tránh khai thác nhanh, sớm cạn kiệt các nguồn tài nguyên; kết hợp song song khai thác nguồn tài nguyên trong nước với nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài với tỷ lệ hợp lý.

Đồng thời phải giám sát nghiêm ngặt đối với mọi cơ sở khai thác và sản xuất năng lượng có phát thải ô nhiễm môi trường và có các chế tài nghiêm ngặt đối với các cơ sở năng lượng vi phạm quy định để phát thải ô nhiễm ra môi trường vượt mức cho phép; nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính (thuế, phí, chứng chỉ…) nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng và tạo nguồn thu cho hoạt động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch.