Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG: Nhân chưa hoà?!

Hơn một năm kể từ ngày thành lập (tháng 7/2004), Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam của tập đoàn IDG (Mỹ) mới "chọn mặt gửi vàng" được có 4 công ty, với số vốn chừng 5 triệu USD.

Thực tế này không làm hài lòng cả nhà đầu tư lẫn DN trong nước. Với nhà đầu tư, Việt Nam là điểm đến có đủ “thiên thời địa lợi", thì các DN công nghệ thông tin - truyền thông đã nhiều lần lên tiếng than: không ai chịu đầu tư... mạo hiểm cho mình. 

 

Hiện Quỹ đầu tư toàn cầu-IDG Ventures của IDG khoảng 1 tỉ USD, bao gồm 5 quỹ khu vực: San Francisco, Boston, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó, quỹ Việt Nam là 100 triệu USD. Tuy thành công ở Trung Quốc, với những công ty lên sàn giao dịch như Ctrip (về du lịch), Mtone, Soufun, Sohu.com, IDG Ventures Vietnam phát triển còn chậm.

Theo ông Trần Việt Đức, cố vấn công ty IDG Ventures Vietnam, tuy có thiên thời, địa lời nhưng... nhân chưa được hoà. Cản ngại lớn nhất khiến nhà đầu tư và DN chưa đến được với nhau là do chưa hiểu được nhau. Các DN Việt Nam sợ mình sẽ bị mất quyền kiểm soát công ty khi nhận đầu tư.

 

Trong khi mục đích của IDG Ventures, như lời ông Đức, là đầu tư để kiếm lời. Dù có muốn làm chủ thì quỹ đầu tư cũng không làm được vì bị ràng buộc bởi các quy định pháp luật Việt Nam và lực lượng nhân sự đang rất mỏng. Trong trường hợp Nhà nước bỏ quy định về tỉ lệ cổ phần tối đa của đơn vị nước ngoài thì IDG Ventures cũng không có ý định nâng mức đầu tư lên quá 50% vì theo kinh nghiệm, như vậy mới đạt được lợi nhuận tối ưu.

 

Để giải toả tâm lý của DN, IDG Ventures Vietnam dự định tổ chức hàng loạt các buổi toạ đàm, hội thảo về cơ hội hợp tác đầu tư với các DN, đánh dấu định hướng hoạt động: sẽ không ngồi một chỗ chờ các công ty nộp hồ sơ xin nhận đầu tư mà chủ động giới thiệu mình, tìm đối tác.

 

Lý giải mối nghi ngại của các DN, ông Phạm Tăng Cường, giám đốc công ty SCC, cho rằng, các DN vẫn tồn tại bản chất "nông dân", muốn chìa tay, bắt tay với người khác nhưng sợ mất công ty, nên cứ thà làm ít, ăn ít. Để thay đổi, cần phải có thời gian và sự tin tưởng lẫn nhau.

 

Ông Nguyễn Hoà Bình, giám đốc Peacesoft - công ty đầu tiên được IDG Ventures chọn đầu tư cho biết: Ngoài cung cấp vốn, nhà đầu tư còn tư vấn về chiến lược quản trị DN, giúp tạo lợi thế về uy tín. Điều này rất cần thiết với những công ty nhỏ, không dễ huy động vốn từ kênh truyền thống như ngân hàng.

 

Cho đến nay, câu hỏi Peacesoft (và 3 công ty khác được nhận đầu tư) là ai, đã tự giới thiệu với nhà đầu tư như thế nào được đặt ra như là một cách để tìm hiểu thông tin hoặc học hỏi kinh nghiệm song vẫn có cái gì đó chưa thật rõ ràng như mong muốn. Do vậy, vẫn có rất nhiều DN bày tỏ sự lúng túng, khúc mắc trước loại hình đầu tư được nhận thức là cần thiết song quá mới mẻ này.

 

Họ đề nghị IDG Ventures công khai, minh bạch hơn nữa về chủ trương, rõ ràng, cụ thể hơn nữa về quy trình tiếp xúc và rút ngắn thời gian phúc đáp. Luật sư Phùng Anh Tuấn còn đặt vấn đề về trách nhiệm của IDG Ventures trong việc bảo mật thông tin về ý tưởng kinh doanh trong các dự án gửi đến nơi này để “dự thi”.

 

Sự xuất hiện của IDG Ventures được trông đợi vì đây là quỹ của tập đoàn lớn, có danh tiếng, tiềm lực tài chính. Nhưng xem ra, dù “thiên” đã “thời”, “địa” đã “lợi” mà “nhân” chưa “hoà” thì cuộc chơi mạo hiểm cũng khó có thể thực sự bắt đầu chứ chưa nói đến việc tăng tốc.

 

Theo Nguyên Lê

Báo SGTT