Quỹ đầu tư "khủng" mời cựu giám đốc CIA làm cố vấn

(Dân trí) - Thông tin từ báo giới Mỹ cho biết, quỹ đầu tư KKR, đơn vị vừa tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD vào công ty Masan Consumer, đang đàm phán để mời cựu giám đốc CIA, tướng David Petraeus làm cố vấn.

Theo Bloomberg, các nguồn tin cho biết KKR vẫn chưa xác định vị trí cụ thể sẽ dành cho ông David Petraeus. Tuy nhiên vị cựu giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và nhà đồng sáng lập của KKR, ông Henry Kravis là bạn và thường xuyên có trao đổi qua lại.

Tướng Petraeus trong một buổi họp báo tại Lầu năm góc khi còn tại nhiệm
Tướng Petraeus trong một buổi họp báo tại Lầu năm góc khi còn tại nhiệm

Ông Petraeus, năm nay 60 tuổi, đã từ chức giám đốc CIA hôm 9/11 vừa qua sau khi bị FBI điều tra về việc có quan hệ ngoài hôn nhân với Paula Broadwell, một người viết tiểu sử về Petraeus trong quãng thời gian ông còn làm tư lệnh lực lượng Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Hồi tuần trước, ông Petraeus đã nhận lời làm giảng viên đại học thành phố New York, bắt đầu từ ngày 1/8 tới. “Chúng tôi sẽ có thông báo vào thời gian phù hợp”, Robert Barnett, luật sư của ông Petraeus trả lời Bloomberg. Trong khi đó người phát ngôn của quỹ KKR lại từ chối bình luận.

Theo website của KKR, quỹ này hiện có hơn 25 cố vấn cấp cao, những người giúp công ty tìm kiếm và đánh giá các cơ hội đầu tư. Một vài trong số này tư vấn cho các công ty con của KKR hoặc làm việc trong ban lãnh đạo của những công ty này.

Hồi năm ngoái, KKR từng thuê cựu CEO của ngân hàng Mỹ Morgan Stanley, ông John Mack, làm cố vấn cao cấp để giúp KKR trở thành “nhà đầu tư thông minh hơn”. Những cố vấn tên tuổi khác của họ còn có CEO David Cote của tập đoàn Honeywell International Inc., cựu CEO James Owens của tập đoàn máy công nghiệp Mỹ Caterpillar Inc. và chủ tịch của hãng hàng không Qantas Airways, ông Leigh Clifford.

Các quỹ đầu tư tư nhân như KKR thường huy động tiền từ các nhà đầu tư để mua các công ty trong vòng từ 5-6 năm sau đó bán lại và thu hồi vốn và lãi trong vòng khoảng 10 năm. Thông thường các thương vụ đều được tài trợ bằng nguồn vốn vay. Những nhà đầu tư góp vốn vào các quỹ này phải trả mức phí quản lý thường niên tương đương 1,5 – 2% số vốn góp. Đến khi đầu tư sinh lời, các quỹ này cũng giữ lại 20% lợi nhuận.

KKR được thành lập năm 1976 với hai nhà sáng lập là Henry Kravis và George Roberts. Hiện khối tài sản của quỹ này quản lý là 78 tỷ USD với danh mục đầu tư gồm nhiều ngành như: năng lượng, bất động sản, các quỹ đầu cơ, mua bán sáp nhập.

Khoản đầu tư vào Masan

Hồi tháng Giêng năm nay, KKR đã quyết định rót thêm 200 triệu USD vào công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), qua đó nâng số vốn đầu tư vào đây lên 359 triệu USD. Thương vụ đầu tư này được nhận định là lớn nhất khu vực Đông Nam Á của KKR và thu hút sự quan tâm của nhiều tờ báo lớn tại Mỹ như Wall Street Journal, Reuters, CBS

Thương vụ được thực hiện chỉ khoảng 2 tháng sau khi KKR quyết định thâm nhập thị trường Đông Nam Á với việc mở văn phòng tại Singapore. Tại thời điểm khai trương, giám đốc KKR khu vực Đông Nam Á Ming Lu nhận định quỹ này có thể đầu tư thêm vào đây hơn 1 tỷ USD trong 5 năm tới sau khi đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào thị trường này trong thời gian từ năm 2005.

Như vậy thương vụ đầu tư vào Masan Consumer chiếm khoảng 20% danh mục đầu tư của KKR vào khu vực trong 5 năm tới. Trước đó, vào tháng 11/2011, một công ty con của quỹ này đã đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer để mua 10% cổ phần vào thời điểm đó. Với đợt tăng vốn mới nhất này, KKR đã có thêm một “ghế” trong hội đồng quản trị của Masan consumer.

“Việc tăng gấp đôi vốn đầu tư vào Masan Consumer trong vòng chưa tới 2 năm cho thấy niềm tin của chúng tôi rằng sự tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam đã bắt đầu tăng tốc”, ông Ming Lu khẳng định với tờ Financial Times. Đến nay đây cũng là khoản đầu tư duy nhất của KKR vào Việt Nam.

Sau đợt phát hành cho KKR, vốn điều lệ của Masan Consunmer đã tăng từ 5.025 tỷ lên 5.253 tỷ đồng. Trong đợt đại hội cổ đông thường niên diễn ra ngày 22/4 vừa qua, công ty này đã thông qua kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 5273,4 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông cũng phê duyệt kế hoạch doanh thu 13.000 – 15.750 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế đạt từ 3750 – 4200 tỷ đồng. Dự kiến lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của công ty này năm nay sẽ đạt 71%.

Thanh Tùng
Tổng hợp