Quy chế tự quản của ngành bia, rượu: “Có thể coi như một nguồn luật pháp”

(Dân trí) - “Cơ quan Nhà nước có thể coi quy chế tự quản của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam như một nguồn luật pháp, và cùng phối hợp cũng như giúp đỡ các DN để tổ chức thực thi quy chế đó nghiêm minh như luật pháp”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu bên lề buổi tọa đàm.

Đó là nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương (CIEM) tại buổi tọa đàm về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và quy chế tự quản của doanh nghiệp đồ uống có cồn diễn ra vào sáng ngày 21/5 vừa qua.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, VBA đã xây dựng quy chế tự quản, tức là quy chế truyền thông có trách nhiệm. Đây là một trong những quy chế mà các DN trong Hiệp hội đã thỏa thuận để triển khai, thực thi trong gần 10 năm nay (từ tháng 5/2010).

Cụ thể, ông Việt cho biết, trong quy chế tự quản này, mỗi DN tự xây dựng chương trình hành động của mình rồi thực hiện quản lý, kinh doanh, truyền thông thương mại có trách nhiệm về việc sử dụng rượu bia theo đúng quy định của pháp luật.

“Ví dụ như Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, sau khoảng 5 năm thực hiện quy chế này đã không còn nhóm nghiện rượu bia hay tệ nạn. Hay Heineken cũng giáo dục nhân viên của mình đã lái xe là không uống rượu, bia,… Chứng tỏ rằng chính nhân viên trong DN bia rượu phải gương mẫu trước”, ông Việt dẫn chứng.

Quy chế tự quản của ngành bia, rượu: “Có thể coi như một nguồn luật pháp” - 1

Cơ quan Nhà nước có thể coi quy chế tự quản như một nguồn luật pháp.

Theo đó, một số đại diện DN bia rượu tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, những điều này mang lại kết quả rất tốt cho ngành cũng như cho xã hội.

“Chúng tôi cũng đang tổ chức cho những DN trong Hiệp hội trong thời gian tới cập nhật, chỉnh sửa lại quy chế tự quản để phù hợp với giai đoạn hiện nay khi Nhà nước chuẩn bị ban hành luật mới để tăng cường công tác quản lý cũng như bảo vệ sức khỏe người dân khi sử dụng đồ uống có cồn”, ông Việt nói.

Đồng tình với ông Việt, ông Hiếu cho rằng, quy chế tự quản của VBA là một hình thức rất đáng hoan nghênh.

“Có thể trong thời gian tới, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước nên tính đến việc thúc đẩy các Hiệp hội tự ban hành, thực thi, giám sát quy chế đó một cách nghiêm minh, rõ ràng sẽ giúp rất nhiều cho việc nâng cao hành vi chuẩn mực của DN”, ông Hiếu gợi ý.

Đáng nói, Phó Viện trưởng CIEM còn cho rằng, cơ quan Nhà nước có thể coi quy chế tự quản như một nguồn luật pháp, và cùng phối hợp cũng như giúp đỡ các DN để tổ chức thực thi quy chế đó nghiêm minh như luật pháp.

“Lợi ích của việc này là rất nhiều. Khi Hiệp hội ban hành quy chế thì sẽ phù hợp hơn với thực tiễn vì họ là những người làm trong ngành, họ biết mình cần tuân thủ chuẩn mực gì. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hạn chế được chi phí trong tổ chức thực thi, bởi chính Hiệp hội, chính DN cũng tự thực thi bằng nguồn kinh phí của mình”, ông Hiếu nhận định.

Bên cạnh đó, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao HEINEKEN Viêt Nam cũng đồng tình với quy chế tự quản và cho rằng rất cần có quy định như vậy trong tương lai.

“Theo chúng tôi, quy chế về truyền thông thương mại của VBA rất cần được ký kết và đưa vào trong luật. Thực sự, chúng tôi cũng đồng ý rằng, quy chế tự quản thì không nên áp dụng cho riêng DN đồ uống có cồn mà nên áp dụng ở tất cả các ngành”, ông Matt nói thêm.

Việc VBA ban hành và thực hiện Quy chế chung về Marketing của ngành bia Việt Nam và Truyền thông thương mại có trách nhiệm được kỳ vọng không chỉ tạo ra “sân chơi” công bằng cho các DN sản xuất bia mà còn là cơ sở để gắn trách nhiệm cộng đồng của các DN này với việc giảm thiểu tác hại của lạm dụng bia trong xã hội.

Hồng Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm