Quốc hội thảo luận về ngân sách: Có tránh được tính hình thức?

(Dân trí) - Đề cập tới dự thảo Luật ngân sách nhà nước sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị để tránh hình thức, đảm bảo thực quyền của Quốc hội cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp.

Sáng nay 2/6, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ngân sách nhà nước (NSNN) sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ảnh: TTXVN).
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển (ảnh: TTXVN).

Quốc hội quyết toán ngân sách qua 2 kỳ họp?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến đề nghị để tránh hình thức, đảm bảo thực quyền của Quốc hội cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp. Trong đó,  giai đoạn 1, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực.

Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách trung ương cũng như dự toán ngân sách nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định.

Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc quyết định ngân sách theo quy trình qua hai kỳ họp sẽ giúp việc xây dựng dự toán được khoa học, chất lượng hơn, phát huy vị trí, vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo tinh thần Hiến pháp; nâng cao trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban nhân dân…

Tuy nhiên, quy trình làm dự toán ngân sách qua 2 kỳ họp là chưa thật phù hợp trong tình hình hiện nay, vì theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, Quốc hội một năm chỉ họp 2 kỳ. Tại kỳ họp giữa năm (tháng 5, tháng 6), Quốc hội không quyết định về khung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm sau.

Ngoài ra, trường hợp điều chỉnh lại quy định để giao Quốc hội quyết định về khung ngân sách cùng với khung về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại kỳ họp giữa năm, đòi hỏi công tác dự báo phải có bước cải thiện lớn, chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính - NSNN có tính ổn định cao.

Vì vậy, “xin Quốc hội cho giữ như quy trình hiện hành. Để nâng cao chất lượng của công tác xây dựng, quyết định dự toán NSNN thì dự thảo luật mới đã điều chỉnh bổ sung quy định Quốc hội quyết định định hướng kế hoạch tài chính 5 năm; Bổ sung quy định Quốc hội quyết định dự toán NSNN hàng năm căn cứ vào kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm; Kéo dài thời gian lập dự toán NSNN sớm hơn, bắt đầu từ 15/5 (thay vì 31/5 như hiện hành; Quy định Chính phủ trình dự thảo dự toán NSNN chậm nhất 20 ngày trước ngày khai mạc Kỳ họp Quốc hội cuối năm…”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nếu Quốc hội không quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp thì có thể tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến đóng góp dự thảo dự toán NSNN vào tháng 9, sau đó hoàn chỉnh, báo cáo Quốc hội.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, đề nghị tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến đóng góp dự thảo dự toán NSNN vào tháng 9 hàng năm, sau đó hoàn chỉnh, báo cáo Quốc hội là một ý kiến có những điểm hợp lý.

Song, vấn đề này thuộc công tác tổ chức điều hành của UBTVQH. Căn cứ tình hình thực tế thu, chi ngân sách trong năm và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, UBTVQH có thể xem xét quyết định triệu tập hội nghị chuyên trách để xem xét những vấn đề liên quan đến TCNS và các vấn đề khác. Vì vậy, không nên quy định cụ thể trong Dự thảo Luật.

Cho ứng vốn nhưng phải có khả năng trả nợ

Về ứng trước dự toán năm sau, UBTVQH nhất trí với đề nghị của các đại biểu. Về nguyên tắc, cần quy định chỉ cho phép ứng trước vốn và phải hoàn trả trong năm ngân sách để bảo đảm phản ánh đúng các khoản thu, chi, bội chi NSNN thực tế phát sinh trong năm.

“Việc ứng trước sẽ hạn chế thẩm quyền quyết định NSNN của Quốc hội do phải hợp thức hóa các khoản đã ứng trước trong khi Quốc hội chưa xem xét ngân sách năm sau. Tuy nhiên, trên thực tế để điều hành ngân sách linh hoạt (như trong các trường hợp chưa thông qua được dự toán NSNN năm sau hoặc các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có khả năng hoàn thành sớm tiến độ...) thì vẫn cần phải có quy định này”, báo cáo nêu rõ.

Và để bảo đảm kỷ cương tài chính, Dự thảo Luật mới quy định việc ứng trước dự toán năm sau chỉ áp dụng đối với đầu tư xây dựng cơ bản với mức tối đa không quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các công trình xây dựng cơ  bản thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt.

Về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương, UBTVQH thấy rằng, khi đã chấp thuận cho ngân sách địa phương được phép bội chi thì mức dư nợ vay của ngân sách địa phương cũng cần phải có sự thay đổi cho phù hợp khả năng trả nợ, đảm bảo quản lý chặt chẽ việc vay nợ của từng địa phương, góp phần bảo đảm an toàn nợ công và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời khuyến khích các địa phương tăng thu, UBTVQH đề nghị khống chế mức giới hạn vay của ngân sách địa phương tính trên số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.

Cụ thể, đối với Hà Nội và TPHCM không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 30% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.             

Còn các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương không vượt quá 20% thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

“Với việc khống chế mức vay của ngân sách địa phương theo số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp như trên thì về cơ bản số dư nợ được phép vay của ngân sách địa phương tương đương với dự thảo Luật Chính phủ đã trình Quốc hội”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

 

Nguyễn Hiền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”