Bội chi ngân sách cao, kỷ cương tài chính ở đâu?

(Dân trí) - “Tôi đồng tình thông qua quyết toán NSNN năm 2013. Nhưng thật sự không ủng hộ thì không biết làm thế nào, vì thu cũng đã thu rồi và chi cũng đã chi rồi”, đại biểu Lịch trăn trở.

Đánh giá về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2013, đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn TPHCM cho rằng, để xảy ra tình trạng thu, chi vượt ngân sách là do kỷ cương tài chính chưa được thực hiện nghiêm túc.

Đại biểu Trần Du Lịch.
Đại biểu Trần Du Lịch.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách có đề cập đến địa phương này, địa phương kia thực hiện không nghiêm nhưng chưa thấy đề nghị xử lý hay khiển trách. Qua thực tế, đại biểu nhận thấy kỷ cương ngân sách vấn còn nhiều vấn đề, nếu so với kế hoạch được Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2013”, ông Lịch băn khoăn.

Cũng theo ông Lịch, năm 2013, Quốc hội có quyết định một số khoản thu mới và các khoản chi mới. Vấn đề đặt ra ở đây là chính Quốc hội có điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách để bảo đảm kỷ cương khi quyết về bội chi NSNN (thu bao nhiêu, chi bao nhiêu) mang tính chất bắt buộc để không ai làm trái, hay là cứ để tăng thu thì tăng chi theo kiểu nước lên thì thuyền lên?

Như vậy có nên chỉ rõ ở đâu vi phạm và biện pháp thế nào không, hay chỉ nói cho có rồi xuê xoa với nhau? Những tồn tại về mặt thể chế cần phải được khắc phục ngay, nếu không sẽ tiếp tục tình trạng chi tiêu không có một kỷ cương nào.

“Liệu Quốc hội có điều chỉnh không? Tôi kiến nghị khi thông qua Luật Ngân sách thì những tồn tại về bội chi ngân sách, kỷ cương ngân sách không nghiêm thì phải được khắc phục. Có nên chỉ rõ ở đâu vi phạm và biện pháp xử lý như thế nào, hay chỉ báo cáo cho có rồi xuê xoa với nhau và để tình trạng này năm nào tình trạng chi sai, chi vượt NSNN cũng tái diễn”, đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn nói.

Đại biểu Lê Nam.
Đại biểu Lê Nam.

Đại biểu Lê Nam, đoàn Thanh Hoá, cũng cho rằng cần phải áp dụng chính sách quyết liệt để chấm dứt tình trạng này. Trong vượt chi, báo cáo của Chính phủ cho thấy, kỷ luật, kỷ cương về tài chính, đặc biệt trong quản lý đầu tư, đều chưa nghiêm.

“Dự toán quyết rồi, thì ngành nào, địa phương nào tăng 1 xu cũng không được tăng, trừ bão lũ chiến tranh bất khả kháng. Có làm được không? Đau cũng phải làm, có như vậy mới có thể đảm bảo nợ công như mong muốn”, đại biểu Nam nhấn mạnh.

Một bất cập khác được đại biểu Lê Nam đề cập là qua tiếp xúc cử tri, một số chính sách đã công bố nhưng không có nguồn cân đối nên “thành ra nợ dân”. Do đó, đại biểu Lê Nam đề nghị thời gian tới cần phải thực hiện nghiêm các chính sách đã ban hành.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo.
Đại biểu Đồng Hữu Mạo.

Theo đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), việc bội chi ngân sách của năm 2013 cao hơn chi cho đầu tư phát triển, phải chăng Chính phủ đã đi vay để chi thường xuyên?

“Bội chi năm 2013, Quốc hội chỉ cho phép là 5,3%, nhưng giờ quyết toán là 6,6%. Tất nhiên, Chính phủ tăng bội chi vì ích nước, lợi dân nhưng nếu Chính phủ cứ chi vượt như vậy thì vai trò của Quốc hội trong việc ra nghị quyết về dự toán đã vô hình chung bị hạ thấp”, đại biểu Đồng Hữu Mạo nói.

Bức xúc với thực trạng bội chi, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) yêu cầu Chính phủ giải trình rõ hơn về vấn đề thu chi ngân sách trước chi Quốc hội bấm nút thông qua quyết toán ngân sách năm 2013.

Đại biểu Hùng cho rằng, việc bội chi vượt rất xa so với nghị quyết của Quốc hội rất đáng chú ý, có nguyên nhân từ kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng.

“Ban đầu Quốc hội xác định con số 4,8%GDP, sau đó điều chỉnh lên 5,5% và giờ Chính phủ báo cáo là 6,6%. Đây là một con số rất băn khoăn với đại biểu Quốc hội. Chúng tôi cần cơ sở pháp lý, danh mục cụ thể và chất lượng sử dụng nguồn tiền tự bội chi này”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Hùng cũng đặt dấu hỏi về khả năng hoàn trả số lượng bội chi lớn và hậu quả của nó. “Tôi nghĩ không chỉ là hậu quả về mặt tài chính, làm tăng nợ công mà có thể còn có hậu quả về thất thoát lãng phí và vận hành bộ máy chúng ta, tạo nên tiền lệ, thói quen trong quản lý sử dụng ngân sách”, đại biểu Hùng nhận định.

Và theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), nếu loại trừ hai yếu tố tăng thu từ thu lợi nhuận của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước và tăng thu tiền sử dụng đất thì thu ngân sách năm 2013 không đạt so với kế hoạch. Điều này cũng cho thấy, nền kinh tế nước ta trong năm 2013 giữ được ổn định, nhưng là dốc hết toàn lực.

“Thu tuy có vượt nhưng thâm hụt ngân sách cũng đã vượt ngưỡng, chứng tỏ sự phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ trong xây dựng và phê duyệt dự toán, quyết toán chưa chặt chẽ, vấn đề kỷ luật chi ngân sách cần được cân nhắc”, đại biểu Kiên kiến nghị.

 Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Việt Hưng


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”