1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Quốc hội có ấn nút thông qua chủ trương xây sân bay Long Thành?

(Dân trí) - Không khí phiên họp Quốc hội sáng nay được dự báo “nóng” khi các đại biểu bàn luận về chủ trương đầu tư xây dựng sân bay Long Thành để biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án này vào cuối kỳ họp.

Trước phiên thảo luận này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm của mình về dự án này và cho biết sẽ chờ phiên thảo luận về dự án sân bay Long Thành sáng nay rồi mới đưa ra quyết định có “ấn nút” thông qua không.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình): “Nên sớm thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành”

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình).
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đây là một dự án lớn và đã được thảo luận qua 2 kỳ Quốc hội (kỳ 8 và 9) nên có thể nói đã được thảo luận rất kỹ.

Quan trọng hơn, dự án đã rà soát lại và giảm được tổng mức đầu tư từ 18,7  tỷ USD xuống còn 15,8 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 giảm 5,2 tỷ USD.

Tôi cho rằng, kỳ này nên bàn về phương án vốn và vận hành sân bay Long Thành thế nào sau khi đưa vào hoạt động.

Tôi ủng hộ phương án vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, 2/3 huy động từ các nguồn xã hội hoá cụ thể từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tư nhân và ngoài nước.

Tuy nhiên, để thu hút được nhà đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ của giai đoạn 2 và 3, tôi đồng ý với phương án của Chính phủ là thu hồi, giải phòng mặt bằng một lần và thực hiện ngay trong giai đoạn một của dự án.

Tôi nghĩ, chúng ta không nên lo ngại về khả năng hoàn vốn của dự án. Bởi các nhà đầu tư sẽ không rót vốn nếu dự án đó không hiệu quả.

Còn rất nhiều công việc cần làm để dự án được triển khai hiệu quả và nhà đầu tư sẽ làm rõ từng khoản mục chi phí để chứng minh các đề xuất, tính hợp lý của dự án sau khi được Quốc hội thông qua.

Vì những lý do trên, tôi cho rằng Quốc hội nên sớm thông qua chủ trương đầu tư sân bay Long Thành để còn có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị phương án tiền khả thi.

Đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội: “Quốc hội sẽ giám sát quá trình xây dựng” 

Đại biểu Lê Như Tiến (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Lê Như Tiến (ảnh: Việt Hưng).

Tôi ủng hộ chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Vừa rồi Chính phủ đã có báo cáo điều chỉnh về hiệu quả và phân kỳ đầu tư dự án này, trong đó đáng chú ý tổng số vốn đầu tư đã giảm khoảng 1/3 so với trước.  Sự điều chỉnh này cho thấy Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dư luận và cử tri cả nước.

Nhưng tôi lưu ý, dù vay vốn của nước ngoài cũng là gánh nặng cho ngân sách, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Do đó, Chính phủ vẫn cần phải rà soát mạnh hơn nữa để thay đổi phương thức huy động vốn xã hội hóa, tránh gánh nặng tới ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, điều không chỉ riêng tôi mà nhiều đại biểu Quốc hội khác mong muốn là Chính phủ phải giải trình rõ, việc giảm mức tổng đầu tư có ảnh hưởng gì tới chất lượng, tiến độ dự án hay không? Liệu có đội vốn trong quá trình thực thi hay không?...

Đáng chú ý trong báo cáo của Chính phủ cũng tính toán cho biết, mức độ tác động của dự án này tới nợ công là rất nhỏ. Nếu quả thật đây là số liệu chuẩn thì quá tốt, đáng mừng để các đại biểu có thêm niềm tin quyết định “bấm nút” cho dự án quan trọng này.

Đây là công trình quan trọng quốc gia vì thế các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cũng cần vào cuộc, tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện dự án.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Nhiệm vụ số một của sân bay Long Thành là để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Việt Hưng).
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Việt Hưng).

Theo tính toán, đến năm 2025 sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải và phải đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của sân bay Long Thành với công suất được 25 triệu lượt khách để giải quyết vấn đề này.

Giai đoạn 2 của sân bay Long Thành được nâng lên công suất 50 triệu lượt khách cũng vẫn là để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất là chính.

Còn để trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế thì còn nhiều yếu tố đi kèm, như phát triển kinh tế của cả nước, chính sách phát triển kinh tế vùng, ngành du lịch… chứ không chỉ dựa vào vị trí đắc địa, cảng hiện đại, dân số.

Tại sao Singapore có 5 triệu dân mà sân bay của họ trở thành cảng trung chuyển quốc tế được? Trong khi ngay bản thân mình đã là 90 triệu dân rồi, lúc đưa sân bay Long Thành vào khai thác, dân số lúc đó sẽ hơn 100 triệu dân.

Hơn nữa, không có chuyện đầu tư sân bay Long Thành thì dừng hết cái khác lại. Mọi thứ đã được cân đối hết. Ví như mới đây Thủ tướng vừa phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Long Thành có tiềm năng để phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế”

Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành trước hết là để giải quyết vấn đề quá tải của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa trong nước và quốc tế bằng đường hàng không. Việt Nam là quốc gia đông dân, có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển với tốc độ cao so với các nước... với xu thế phát triển nhanh của ngành hàng không, Cảng HKQT Long Thành có tiềm năng để phát triển thành Cảng trung chuyển quốc tế.

Tuy nhiên, để trở thành Cảng hàng không trung chuyển quốc tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cần phải có các chính sách đồng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư nước ngoài, cải cách thủ tục xuất, nhập cảnh, hải quan... đồng thời áp dụng các công nghệ vào quản lý, điều hành bay, làm tốt các dịch vụ hậu cần hàng không để thu hút khách quốc tế và các hãng hàng không đến Việt Nam và coi đây là cầu nối trung chuyển hành khách và hàng hóa của khu vực và thế giới.

Trong những năm gần đây, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã có lượng hành khách chuyển tiếp, quá cảnh quốc tế, quốc nội chiếm trung bình khoảng 8,22% tổng lượng hành khách quốc tế đi và 0,78% tổng lượng hành khách quốc nội đi trong giai đoạn 2010-2014 .

Để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của Dự án trên quan điểm nền kinh tế quốc gia, tổ chức tư vấn đã thực hiện đánh giá kinh tế dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của Dự án. Theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình của xã hội nên Dự án có tính khả thi cao. Dự án đầu tư mới đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên chưa được nghiên cứu chi tiết về hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, qua tính toán báo cáo tiền khả thi, chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) đối với hạng mục nhà ga là 13,9% xem xét cho thời hạn 25 năm.

Về tác động của Dự án đối với nợ công, theo Bộ Tài chính đánh giá trong các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công cao nhất là 0,28% GDP.

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”