1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lo "áo may quá rộng" nếu xây Long Thành làm sân bay trung chuyển

(Dân trí) - Chỉ còn 3 ngày nữa, dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 trước khi biểu quyết thông qua. Giới khoa học chưa hẳn yên tâm về dự án với câu hỏi, đặt mục tiêu làm sân bay trung chuyển quốc tế có phù hợp?

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Những ý kiến trên được đưa ra thảo luận sôi nổi trong Diễn đàn Khoa học thảo luận về Dự án sân bay Long Thanh “Công khai, khoa học và trách nhiệm”, do Viện Hàn lâm khoa học - xã hội Việt Nam tổ chức hôm nay (1/6), tại Hà Nội. 

“Chưa sinh con đã xây sẵn một tòa nhà cho cháu ở”

Nêu ra nhiều lí do chưa thuyết phục về Dự án, Tiến sỹ Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không, trường Đại học Bách Khoa TPHCM - thẳng thắn nhận xét, báo cáo tiền khả thi của Dự án chưa đạt yêu cầu. Nếu đem báo cáo khả thi này nói cho sinh viên nghe thì họ sẽ cười và cũng rất khó để giải thích. Khi nghiên cứu khả thi phải tính toán kỹ, còn ở đây, báo cáo chưa rõ ràng có phải do những người làm dự án không có chuyên môn sâu?

“Chưa cần thiết, chưa cấp bách để xây dựng sân bay Long Thành. Tôi muốn kiến nghị Quốc hội tạm dừng chưa thông qua dự án tại kỳ họp này. Phải làm lại báo cáo dự án một cách đàng hoàng, làm rõ quy mô và lựa chọn thời điểm, chứ chưa sinh con mà xây sẵn một tòa nhà cho cháu ở là không được” - Tiến sỹ Nguyễn Thiện Thống cho hay.

Tiến sỹ Nguyện Thiện Tống phản biện tại Diễn đàn Khoa học thảo luận về sân bay Long Thành 

Tiến sỹ Nguyện Thiện Tống phản biện tại Diễn đàn Khoa học thảo luận về sân bay Long Thành 

Một vấn đề gây tranh luận sôi nổi tại Diễn đàn này là mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế của Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Tiến sỹ Nguyễn Thiện Thống cho rằng, mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế chỉ là ảo tưởng, lí do là vì công nghệ mới của ngành hàng không cùng với sự thiết lập từ trước các sân bay trung chuyển của khu vực như Singapore, Bangkok, Hồng Kông.

“Chúng ta có khả năng để đầu tư xây dựng một sân bay hiện đại để cạnh tranh được với sân bay theo tiêu chuẩn 5 sao Changi của Singapore hay không? Hay việc người ta trung chuyển qua Hồng Kông là để nối chuyến bay của Cathay Pacific đi Mỹ chứ không đến Việt Nam để mua vé bay máy bay của hãng khác đi Mỹ, rõ ràng rất khó để thu hút được lượng khách quốc tế trung chuyển qua Long Thành, bởi vậy mục tiêu trung chuyển quốc tế có ảo tưởng?”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nêu ý kiến, không nên coi nhiệm vụ chủ yếu của Long Thành là sân bay trung chuyển mà nên coi Long Thành là sân bay vận chuyển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Với tầm nhìn 50 năm ở một đất nước hiện tại có 90 triệu dân thì làm tốt vai trò khai thác nội địa sẽ tốt hơn là tìm cách trung chuyển quốc tế để tránh việc sau này “mình phải tự phê bình mình”. Trong quy hoạch xây dựng thì phải từng bước chứ không nên "mặc cái áo quá lớn", phải có một quy hoạch tổng thể.

Muốn làm tốt vai trò trung chuyển thì phải tạo ra sự khác biệt, ở đây là tận dụng lợi thế nội địa mà Singapore không có thì Long Thành chắc chắn sẽ hơn hẳn sân bay Changi của nước bạn, còn nếu xây dựng sân bay trung chuyển với năng lực tài chính không có, nguồn khách không có thì sẽ không ổn và khó có thể vượt qua được đối thủ cạnh tranh” - Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm nhấn mạnh.

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được báo cáo Quốc hội vào ngày 4/6 tới đây

Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được báo cáo Quốc hội vào ngày 4/6 tới đây

Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược tham gia phản biện về Dự án  tại Diễn đàn cho rằng, Bộ Giao thông vận tải đang nói quá nhiều về từ trung chuyển quốc tế ở dự án sân bay Long Thành, nói vậy nhưng không làm được vậy thì tính sao?

Vị chuyên gia này dẫn ra sự phân tích đơn giản từ khả năng đầu tư: Tư nhân tính toán tiền nong và hiệu quả kinh tế rất chặt chẽ nên nếu dự án đủ sức thu hút để tư nhân dành 80% vốn cho có nghĩa là dự án khả thi, còn ngược lại nếu họ chỉ nói mồm mà không bỏ tiền ra thì không ăn thua. Nếu 80% vồn nhà nước phải lo thì chúng ta nên tính toán kỹ về quy mô và thời điểm.

“Tôi thấy đề án chưa đủ sức thuyết phục, tôi đồng tình với chủ trương này nhưng đề nghị làm lại báo cáo, giải thích rõ ràng hơn và xác định đó là sân bay của vùng trọng điểm phía Nam” - ông Lược cho biết.

Cần bật “đèn xanh” để thu hút đầu tư?

Tham dự diễn đàn với tư cách là Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - ông Trần Du Lịch - cho biết đã đi từng ngõ ngách sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất xem có mở rộng được không và đã đọc tất cả các ý kiến phản biện, liên quan đến việc bấm nút tại nghị trường Quốc hội trong kỳ họp thứ 9 này.

Ông Trần Du Lịch cho rằng đề án về Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đang trình Quốc hội có rất khác với trước. Trước đây, dự án nói về quy mô rất nhiều, như: Vận chuyển 100 triệu hành khách/năm, 19 tỷ USD… Bởi thế dư luận cho rằng chưa khả thi. Nhưng lần này, đề án đưa ra trình có sự phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 vốn không phải 7,8 tỷ USD mà được điều chỉnh còn 5,2 tỷ USD, đã giảm xuống 1/3 so với tổng mức, quy mô đất từ 5.000ha giảm còn 2.075ha, đầu tư đều có giảm.

Ông Trần Du Lịch khẳng định sẽ bấm nút thông qua Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Ông Trần Du Lịch khẳng định sẽ bấm nút thông qua Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành

Nhấn mạnh về vấn đề nợ công khi bàn tới dự án này, ông Trần Du Lịch nêu lên với quan điểm là vay nợ nhưng cần thì phải làm và phải vay để làm.

“Trong hạ tầng giao thông bến cảng cần thiết cho đất nước phát triển thì phải làm nhưng vấn đề là cấm để thất thoát, đội giá, tham nhũng, nếu chống được cái đó thì dân ủng hộ. Người dân hiện đang lo lăng là cứ có dự án lại có phết phẩy, người ta lo tâm lý. Tuy nhiên, chúng ta không để những suy nghỉ mang tính tâm lý ảnh hưởng đến 1 quyết định mang tính phát triển của 1 vùng. Chúng ta phải tách bạch chuyện đó để giải quyết vấn đề lớn. Tôi chịu trách nhiệm trước cử tri và lần này tôi bấm nút thông qua sân bay Long Thành giai đoạn 1 với quy mô như Chính phủ trình, giai đoạn sau phải tính toán tiếp” - ông Trần Du Lịch nêu quan điểm.

Thể hiện sự ủng hộ đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Tiến sỹ Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hãng hàng không Hải Âu - cho rằng: Tiền từ đâu? Đầu tư theo cơ chế nào? Đó là điều đáng quan tâm nhất. Theo Tiến sỹ Lương Hoài Nam, cần phải nghiên cứu sâu về 3 mô hình đầu tư công, đầu tư công tư và mô hình công ty cổ phần dự án. Các điều kiện đảm bảo thành công có 3 điều kiện năng lực cạnh tranh quốc tế sân bay, theo đó nếu Việt Nam không cạnh tranh được với Singapore thì giá dịch vụ phải như của Thái Lan và Malaysia.

“Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cần được bật đèn xanh, cần một cái bấm nút của Quốc hội để làm cơ sở cho Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) có đủ tư cách nói chuyện với các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng, sau đó mới tính tiếp đến báo cáo khả thi của dự án” - Tiến sỹ Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm