Quốc hội bắt đầu kỳ họp bất thường, bàn về gói phục hồi kinh tế
(Dân trí) - Hôm nay (4/1), Quốc hội khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Một trong những nội dung quan trọng được đưa ra là nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến 11/1.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành. Riêng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội.
Trong 5 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, một nội dung được quan tâm đó là dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp theo là xem xét, thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) cũng được đưa ra tại kỳ họp bất thường này.
Cuối cùng là dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Trước khi diễn ra kỳ họp bất thường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hồi đầu tháng 12/2021. Diễn đàn có nhiều phiên, xoay quanh nội dung chính về gói phục hồi kinh tế.
Đa số các chuyên gia tại diễn đàn đều cho rằng gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh" và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn".
Trao đổi với Dân trí, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng việc ban hành gói hỗ trợ, kích thích rất cần thiết. Gói kích thích phục hồi kinh tế cơ bản có 4 phần: chi cho việc nâng cao năng lực hệ thống y tế, phúc lợi cho người dân, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và tăng đầu tư công.
"Với người dân, chúng ta hỗ trợ người yếu thế, đối tượng dễ bị tổn thương, để người dân không ai bị bỏ lại phía sau. Còn với doanh nghiệp thì phải cứu "ông" có khả năng giúp cho việc phục hồi kinh tế tốt, cứu "ông" trên bờ vực phá sản là "chết" ngay", ông Du nêu quan điểm.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc hỗ trợ doanh nghiệp nên theo hướng tiếp cận những doanh nghiệp có tiềm lực, phục hồi tốt, như giảm chi phí, giảm thuế… Riêng đối với gói tín dụng thì cần hết sức cẩn thận. Gói tín dụng này càng không nên cho những doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vay, nếu không thì nợ xấu sẽ tăng nhanh, nền kinh tế sẽ gặp rất nhiều thách thức. Bài học từ hơn một thập niên trước đây vẫn còn rất thời sự đối với Việt Nam.
Có nhiều đề xuất về quy mô gói hỗ trợ được đưa ra. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, quy mô chính thức gói chính sách chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố. Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, gói chính sách có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực.
Thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế.