Quay cuồng với "tàu lượn" VN-Index, nhà đầu tư vẫn kiếm tiền "ngon ơ"

Mai Chi

(Dân trí) - Chứng khoán đang trải qua những pha rung lắc chóng mặt và gây ức chế. Tuy nhiên, với những nhà đầu tư đang giữ tỷ trọng tiền mặt nhất định vẫn có thể kiếm đậm nhờ "lướt" theo nhịp ngay trong phiên.

Tình trạng rung lắc của thị trường chứng khoán tiếp diễn trong phiên giao dịch sáng nay (23/3). VN-Index tiếp tục chịu áp lực bởi lực bán chốt lời sát vùng 1.180.

Đồ thị VN-Index dao động chóng mặt với những đợt "cua gấp". Chỉ số có hai nhịp giảm đáng chú ý vào đầu phiên và thời điểm 10h30, song tại vùng 1.170 đều bật trở lại. Diễn biến này theo đó sẽ thuận lợi cho hoạt động "lướt T0" với những nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt và cổ phiếu cân bằng trong tài khoản.

Quay cuồng với tàu lượn VN-Index, nhà đầu tư vẫn kiếm tiền ngon ơ - 1

Diễn biến gây ức chế của VN-Index và VN30-Index trong sáng 23/2

Một số phiên có biên độ dao động trong phiên khá lớn. Có thể kể đến GVR có mức giá thấp nhất là 27.100 đồng và được giao dịch ở giá cao nhất là 29.300 đồng. Lấy giả thiết nếu lướt trong phiên, nhà đầu tư may mắn mua vào cổ phiếu này ở mức giá 27.100 đồng rồi bán ra một khối lượng tương ứng ở mức giá 29.300 đồng thì đã thu lãi hơn 8%. Lưu ý, hoạt động lướt sóng này chỉ có thể áp dụng với những mã sẵn có trong danh mục đầu tư.

Hoặc với cổ phiếu CEO, mã này có lúc giao dịch ở mức giá thấp nhất phiên là 10.600 đồng và tăng lên 11.700 đồng sau đó. Biên dao động lên tới hơn 10%.

Ở thời điểm tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index chỉ còn giảm 0,33 điểm tương ứng 0,03% còn 1.174,71 điểm. Trong khi đó, VN30-Index tăng nhẹ 1,39 điểm tương ứng 0,12% lên 1.181,94 điểm.

Trên sàn HNX, chỉ số giảm 2,96 điểm tương ứng 1,25% còn 235,01 điểm và UPCoM-Index giảm 0,17 điểm tương ứng 0,22% còn 76,4 điểm.

Tương quan số lượng mã tăng - giảm trên thị trường khá cân bằng. Thống kê có 381 mã giảm giá, 14 mã giảm sàn so với 371 mã tăng, 38 mã tăng trần.

Trong sáng nay, cổ phiếu dầu khí khởi sắc sau thông tin giá dầu thế giới "nóng" trở lại. GAS tăng 1,7% lên 89.700 đồng; BSR tăng 3,31% lên 12.500 đồng; PVS tăng 5,07% lên 22.800 đồng; PVD tăng 3% lên 24.000 đồng; PLC tăng 2,6% lên 27.600 đồng; PVB tăng 1,6% lên 19.000 đồng.

Một số mã ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang rục rịch tăng và hút dòng tiền. Đây được đánh giá là nhóm cổ phiếu sẽ kéo thị trường vượt qua vùng đỉnh 1.200 điểm.

Cụ thể, CTG tăng 0,68% lên 37.250 đồng; TCB tăng 3,37% lên 39.900 đồng; VPB tăng 0,12% lên 41.000 đồng; MBB tăng 2,06% lên 27.250 đồng; ACB tăng 1,3% lên 32.000 đồng và STB tăng 1,61% lên 18.900 đồng.

MBB, TCB và STB đang là 3 mã được giao dịch mạnh nhất toàn thị trường với khối lượng giao dịch tại MBB đạt 21,33 triệu cổ phiếu, tại TCB là 18,62 triệu cổ phiếu và tại STB là 14,31 triệu cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu trong nhóm penny vẫn tăng trần dồn dập. HSL, TCO, NVT, RIC, VOS tăng trần và hoàn toàn không có dư bán.

Một điểm đáng lưu ý là thanh khoản thị trường trong sáng nay bị "bó" lại cho thấy, mặc dù phần lớn thời gian các chỉ số hoạt động dưới đường tham chiếu nhưng nguồn cung đang dần cạn. Đây có thể coi là một tín hiệu tốt với triển vọng của thị trường.

Tổng giá trị giao dịch trên HSX ở mức 8.635,7 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 338,64 triệu cổ phiếu. Trên HNX, khối lượng giao dịch đang là 67,01 triệu cổ phiếu tương ứng 1.095,14 tỷ đồng và trên UPCoM là 25,94 triệu cổ phiếu tương ứng 391,67 tỷ đồng.

Khối nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên toàn thị trường, tuy vậy khối ngoại vẫn mua ròng MBB, VRE, GMD, VJC. Những mã trong danh mục bán ròng là HSG, HPG, VNM, GEX.

Theo nhận định của giới phân tích, xu hướng dài hạn của thị trường vẫn là tăng, tuy vậy, cần thời gian tích lũy và rung lắc mới có thể đi lên.

Chuyên gia phân tích tại MBS đánh giá, xu hướng trong ngắn hạn khó xác định hơn với việc VN-Index có thể tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó) nhưng chỉ số này cũng có thể sẽ có một phiên tăng mạnh để tiếp cận gần hơn với ngưỡng tâm lý 1.200 điểm rồi tích lũy quanh ngưỡng này.