Bầu Đức bán "rẻ" gần 22 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai
(Dân trí) - Bầu Đức đã bán ra gần 22 triệu cổ phiếu HAG và giảm tỷ lệ sở hữu tại Hoàng Anh Gia Lai xuống còn 34,5% ngay trước Tết. Tuy nhiên, mức giá lại ở vùng thấp so với mức từ đầu năm 2021 tới nay.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán HAG) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.
Theo đó, người đứng đầu tập đoàn này cho biết đã bán ra 21,78 triệu cổ phiếu HAG (tương ứng 2,3% vốn điều lệ HAGL) trong khoảng thời gian từ ngày 5/2 đến ngày 8/2.
Sau giao dịch, sở hữu của bầu Đức tại HAGL đã giảm từ 36,85% tương ứng gần 342 triệu cổ phiếu xuống còn 34,5% tương ứng với gần 320 triệu cổ phiếu HAG. Toàn bộ giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Dữ liệu của HSX cho thấy, trong ngày 8/2, cổ phiếu HAG có giao dịch thỏa thuận với khối lượng 21,78 triệu cổ phiếu, giá trị 95,8 tỷ đồng. Như vậy, bầu Đức đã bán số cổ phiếu nói trên với giá bình quân 4.510 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên 8/2, cổ phiếu HAG được giao dịch trên thị trường với giá trung bình là 4.360 đồng/cổ phiếu. Tuy mức giá bán ra của bầu Đức cao hơn giá trung bình trong phiên nhưng lại ở vùng giá thấp nhất của cổ phiếu HAG kể từ đầu năm.
Phiên 18/2, cổ phiếu HAG đóng cửa tại 4.850 đồng và có lúc đã được giao dịch tại mức giá 4.940 đồng.
Trước đó, vào tháng 10/2020, bầu Đức từng mua thỏa thuận 50 triệu cổ phiếu HAG với giá 240 tỷ đồng, sau đó bán ra 35 triệu cổ phiếu trong tháng 11 với giá 159 tỷ đồng. Mục đích là làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu các khoản vay, tái cấu trúc tài chính.
Trong một diễn biến khác, HAGL mới đây đã bán 47,5 triệu cổ phiếu HNG của HAGL Agrico, giảm sở hữu xuống còn 36,55% vốn điều lệ. Đồng thời, HAGL Agrico cũng sẽ chào bán 741,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ với Công ty Nông nghiệp Trường Hải và bổ sung vốn lưu động.
Sau khi hoàn tất tăng vốn và bán cổ phần, HAGL sẽ không còn là công ty mẹ của HAGL Agrico.
Tập đoàn của bầu Đức vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn dù đã nỗ lực thực hiện tái cơ cấu.
Tổng lỗ kế toán trước thuế quý 4 của HAGL ghi nhận 1.521 tỷ đồng, tăng lỗ 6% so cùng kỳ. Lỗ sau thuế 1.526 tỷ đồng, trong đó, lỗ sau thuế của công ty mẹ là 1.174 tỷ đồng (tăng lỗ tới 77% so với cùng kỳ).
Lũy kế cả năm 2020, mặc dù doanh thu thuần tăng gấp rưỡi năm 2019 lên 3.085 tỷ đồng nhưng công ty vẫn lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 1.290 tỷ đồng trong năm 2020, tăng lỗ gần gấp đôi so năm 2019.
Tổng lỗ kế toán trước thuế ở mức 2.170 tỷ đồng, nặng hơn so với mức 2.005 tỷ đồng của năm 2019. Lỗ sau thuế thuộc về công ty mẹ (lỗ ròng) 1.201 tỷ đồng, trong khi năm 2019, chỉ tiêu này vẫn dương, có lãi 190 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết năm 2020, tổng lỗ lũy kế của HAGL đã lên tới 5.086 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả ở thời điểm 31/12/2020 của doanh nghiệp là 26.626 tỷ đồng, tăng 4.802 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu do nợ ngắn hạn tăng mạnh, tăng gần gấp đôi từ 8.090 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 15.097 tỷ đồng thời điểm cuối năm. Số dư nợ ngắn hạn đã vượt xa so với giá trị tài sản ngắn hạn của HAGL tại ngày 31/12/2020 là 10.136 tỷ đồng.