Quảng Ninh: Vân Đồn "tung chiêu" giúp ngư dân tìm đầu ra cho sản phẩm

An Nhiên Trường Thịnh

(Dân trí) - Trước thực trạng đầu ra của sản phẩm thủy sản gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tung ra hàng loạt giải pháp giúp bà con ngư dân ổn định sản xuất, hạn chế thấp nhất rủi ro về vốn.

Ngư dân nguy cơ trắng tay

Với thế mạnh là biển đảo, vốn được coi là "vựa thủy sản" nên nuôi trồng thủy sản được coi là kinh mũi nhọn của huyện Vân Đồn. Do đó, nhiều năm qua huyện này đã luôn chú trọng, quan tâm và có nhiều giải pháp để khuyến khích phát triển.

Đến nay, theo thống kê từ UBND huyện Vân Đồn đã có tới hơn 1.200 hộ với khoảng gần 2.000 lao động; 3.000 ha nôi trồng thủy sản (trong đó nuôi ngao, ốc hàu…chiếm 2.400 ha) trên toàn huyện.

Quảng Ninh: Vân Đồn tung chiêu giúp ngư dân tìm đầu ra cho sản phẩm - 1

Vùng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Bái Tử Long (Nguồn: báo Quảng Ninh)

Với đà phát triển như trên, dự tính tổng sản lượng hàu, ngao…có thể đạt tới 36.800 tấn, tính bình quân sản lượng thu hoạch và tiêu thụ của ngư dân huyện mỗi ngày sẽ đạt khoảng là 35 đến 40 tấn ngao, 65 đến 70 tấn hàu.

Tuy nhiên, trái với dự tính, thu hoạch của ngư dân trên địa bàn huyện Vân Đồn từ đầu năm tới nay sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, theo một số ngư dân, hiện chỉ thu hoạch dao động từ 40 đến 50 tấn hàu, 20 đến 30 tấn ngao mỗi ngày.

Bà Trần Thị Lan (50 tuổi, Đông Xá) cho biết, gia đình bà nuôi hàu, ngao đã nhiều năm nay. Năm 2020, gia đình bà mạnh dạn vay ngân hàng cùng với số vốn gia đình có đầu tư nuôi hàng chục lồng ngao, 200 dây hàu…Thế nhưng nhiều tháng nay gia đình bà như ngồi trên đống lửa bởi lượng ngao, hàu đã đến kỳ thu hoạch nhưng bế tắc đầu ra.

Tương tự gia đình ông Trần Văn Long (40 tuổi, ở thị trấn Cái Rồng) cũng đang rơi vào tình cảnh như trên. Nợ lãi ngân hàng vẫn phải trả nhưng số hàu, ngao đến kỳ vẫn chưa thu hoạch được vì chưa có lái thương đến thu mua.

Quảng Ninh: Vân Đồn tung chiêu giúp ngư dân tìm đầu ra cho sản phẩm - 2

Trong bối cảnh khó khăn đầu ra, việc Nhiều hộ nuôi trồng ở Vân Đồn đã chủ động lập các xưởng sơ chế và tìm đầu ra cho hải sản là rất cần thiết (Nguồn: báo quảng Ninh)

Nguyên nhân của thực trạng trên được xác định là do từ trước tới nay, thị trường nước ngoài là nơi tiêu thụ chủ yếu sản lượng hàu của Vân Đồn. Thị trường trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên thị trường này đã bị đóng băng. Bên cạnh đó khách du lịch đến địa bàn gần như không có nên đã khó lại càng khó hơn.

Nhiều ngư dân ở Vân Đồn quan ngại, tình trạng này kéo dài, không thu hoạch được dẫn đến hàu, ngao…chết do đã hết kỳ sinh trưởng. Mặt khác, nếu có thu hoạch được mà bán rớt giá thì cũng khó có khả năng trả nợ ngân hàng, nguy cơ mất trắng vốn là rất cao.

Chính quyền tung "chiêu" giúp dân

Trước thực trạng trên, UBND huyện đã vào cuộc, tung ra nhiều giải pháp, đồng thời liên tục báo cáo UBND tỉnh cùng các sở, ngành để hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm nhuyễn thể như trên của địa phương.

Cụ thể, huyện đã chủ động làm việc với các tổ chức tín dụng xem xét hoãn, giãn các khoản vay cho các ngư dân. Đồng thời huyện cũng chủ động làm việc với một số doanh nghiệp được xác định có tiềm năng, nhất là các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) để hỗ trợ việc tìm mối tiêu thụ cho thủy sản.

Quảng Ninh: Vân Đồn tung chiêu giúp ngư dân tìm đầu ra cho sản phẩm - 3

Nguy cơ mất trắng do đầu ra khó khăn, rớt giá (Nguồn: báo Quảng Ninh)

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện Vân Đồn, khó khăn không chỉ đến từ việc lượng mua giảm, thị trường nước ngoài không có… mà còn đến từ giá cả.

Đơn cử, mặc dù đơn giá cụ thể, việc hỗ trợ giá cước vận chuyển đã được huyện xây dựng cụ thể nhưng trên thực tế giá thành khi được các doanh nghiệp, tiểu thương thu mua hiện chỉ đạt khoảng 3/5 giá dự kiến dẫn đến nhiều hộ nuôi không muốn thu hoạch.

Chưa kể, dù có nỗ lực vận động, được doanh nghiệp hỗ trợ nhưng sản lượng tiêu thụ từ đầu năm đến nay vẫn như muối bỏ bể so với sản lượng cần tiêu thụ.

Thực tế này khiến chính quyền huyện Vân Đồn phải tung thêm nhiều "chiêu" như: tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương mại nhằm tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống đại lý ở tỉnh ngoài, bán qua kênh mạng xã hội; khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ nuôi trồng, các doanh nghiệp tự đứng ra lập các xưởng thu mua, chế biến hoặc cấp đông. Đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế xuống giống trong thời điểm này.

Quảng Ninh: Vân Đồn tung chiêu giúp ngư dân tìm đầu ra cho sản phẩm - 4

rước thực trạng này, huyện Vân Đồn đã đưa ra nhiều giải pháp giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn (Nguồn: báo Quảng Ninh)

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, việc tiêu thụ sản phẩm nhuyễn thể tại Vân Đồn tuy vẫn khó khăn nhưng cũng đang dần từng bước được tháo gỡ.

Một lãnh đạo huyện cũng cho biết, cách làm như trên chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt. Còn về lâu dài, cần phải có giải pháp hưu hiệu, bền vững hơn. Tiến tới, huyện sẽ chủ động nghiên cứu, điều chỉnh diện tích, đối tượng nuôi gắn với hình thành chuỗi chế biên, tiêu thụ, nhất là nhuyễn thể để tránh rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay.