Quảng Bình: Nông dân điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt
(Dân trí) - Hàng chục ha tiêu của người dân xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang xanh tươi bỗng nhiên vàng lá, rụng dần rồi chết. Mặc dù đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng tình trạng tiêu chết vẫn không hề giảm.
Méo mặt vì “cây thu nhập chính” thất thu
Những năm gần đây, cây tiêu được xem là loại cây chủ lực, góp phần thay đổi kinh tế, nâng cao đời sống của người dân tại xã nghèo Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Tuy nhiên, 1 năm trở lại đây, những người trồng tiêu tại địa phương này đang lâm vào tình cảnh khốn đốn do nhiều diện tích tiêu bị chết. Sản lượng, năng suất, nguồn thu nhập của người dân cũng bị sụt giảm nặng nề.
Theo thống kê, toàn xã Quảng Thạch hiện có khoảng 140ha trồng tiêu được phân bố rải rác ở khắp các thôn trong, trong đó khoảng 100ha đang vào thời kỳ khai thác, thu hoạch. Tuy nhiên đến nay, diện tích tiêu chết đã lên tới 30 đến 40%.
Gia đình ông Trần Đức Dục, tại thôn 4, xã Quảng Thạch có hơn 600 gốc tiêu, những năm trước, mỗi vụ tiêu gia đình ông cũng thu về được gần 100 triệu đồng. Thế thế nhưng hiện nay, vườn tiêu của gia đình ông chết chỉ còn lại một nửa. Nhiều gốc tiêu cũng đang có hiện tượng vàng lá và chết dần.
“Cả thôn này đều bị như thế chứ không chỉ riêng gì gia đình tôi. Tiêu chết khiến chúng tôi thất thu, nhiều nhà còn bại sản, phải thuê máy múc múc đi để chuyển đổi cây trồng khác. Gia đình tôi cũng đã tìm mọi cách để trị nhưng đều bất lực”, ông Dục buồn bã.
Không chỉ gia đình ông Dục mà hàng chục hộ dân ở địa bàn xã Quảng Thạch cũng đang đứng ngồi không yên trước tình trạng cây tiêu nối tiếp nhau chết hàng loạt. Nhiều gia đình bỏ công, bỏ sức gây dựng vườn tiêu hàng chục năm qua với chi phí hàng trăm triệu đồng, nay đành bất lực nhìn những gốc tiêu lụi tàn.
“Trước đây gia đình tui cũng có gần 800 gốc, nó là thu nhập chính của gia đình, con cái học hành cũng nhìn vào đó cả. Nhờ cây tiêu mà đời sống bớt vất vả hơn, thế nhưng giờ chết sạch rồi, chẳng còn chi nữa cả. Cả một vườn tiêu giờ còn có 7 đến 80 gốc thôi”, ông Phan Văn Thảnh, một hộ dân khác tâm sự.
Ráo riết cứu cây
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Xuân Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, cây tiêu của người dân tại xã Quảng Thạch chết có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là bệnh chết chậm, do tuyến trùng và một số nấm bệnh khác trong đất gây hại.
Trước tình trạng tiêu chết hàng loạt, cơ quan chức trách huyện Quảng Trạch cũng đã tiến hành kiểm tra, đồng thời khuyến cáo bà con cần tiến hành nhổ bỏ, đào gốc và đem đốt để tiêu hủy, cách ly nguồn bệnh; xử lý gốc tiêu bằng vôi bột thuốc bảo vệ thực vật đối với những cây tiêu bị bệnh nặng.
Đối với những cây tiêu đang bị gây hại nhẹ (lá đang chuyển dần sang màu vàng) và những bụi tiêu chưa bị gây hại, cần xử lý kết hợp các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng các chế phẩm sinh học để gây ức chế và tiêu diệt nấm bệnh...; thường xuyên cắt tỉa phần cành nằm sát mặt đất khoảng từ 20 đến 30 cm; vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, sạch sẽ, tạo hệ thống thoát nước tốt; bón phân cân đối và hợp lý.
Tiến Thành