Quán phở 30 năm không ngủ ở Hà Nội, chỉ bán lúc nửa đêm, khách đợi 2 tiếng mới tới lượt
2 giờ sáng, nếu một người khách tới hỏi: “Đã có phở chưa cô?” cô Hoa lập tức biết ngay đó là khách lạ.
Thông thường, quán phở gánh nức tiếng ở Hàng Chiếu của cô chỉ bán những bát phở đầu tiên vào lúc 3 rưỡi sáng, 2 giờ là thời gian mở cửa nhưng chỉ để khách… ngồi đợi.
Với những người yêu Hà Nội, yêu ẩm thực Hà Nội, phở gánh hàng Chiếu không còn là cái tên xa lạ khi nhắc về một món ăn đặc trưng của thành phố này. Song, những thứ tưởng như quen thuộc hóa ra lại ẩn chứa nhiều điều lạ lùng. Nếu thực sự muốn biết về cách người Hà Nội ăn phở, bán phở… đặc biệt như thế nào, thì nhất định phải đến phở gánh một lần.
Quán phở gánh của cô Hoa bắt đầu mở ở vỉa hè ngã tư Hàng Chiếu – Hàng Đường (Hoàn Kiếm, Hà Nội) năm 1990. Ban đầu, cô Hoa mở cửa bán hàng như những quán phở thông thường khác vào lúc 5 giờ sáng rồi bán đến khoảng 9 giờ sáng. Về sau, để đáp ứng nhu cầu của khách mà theo cô Hoa nói là “chiều khách” nên đổi giờ mở cửa lúc nửa đêm, khoảng 3 giờ sáng.
Quán phở gánh nằm trên vỉa hè có khoảng 25 chiếc bàn nhựa, mỗi bàn 4 ghế nhựa. Thường chỉ từ 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng tất cả các bàn đã kín chỗ. Người đến sớm thì có chỗ ngồi, người tới muộn thì phải… đứng đợi tới khi có bàn.
Phục vụ sẽ đi từng bàn để khách gọi món, ai tới trước ăn trước, ai tới sau ăn sau. Nhưng điều kỳ lạ ở chỗ, dù quán rất đông khách và dù có bao nhiêu người đang đợi, cô Hoa vẫn làm phở với phong thái rất thong thả.
Có 3 loại phở chính là: Tổng hợp; bò chín; bò tái và phở bò sốt vang, đồng giá 50.000 đồng/bát.
Hàng ngày, 2 giờ sáng quán bắt đầu dọn hàng đón khách, nhưng tất cả những khách đến giờ đó đều phải đợi tới đúng giờ mới đươc ăn phở. Nhiều người là khách quen, thậm chí phải đến sớm đặt đồ dùng cá nhân lên bàn để giữ chỗ.
“3 rưỡi mới có phở, đợi được thì ăn không đợi được đi chỗ khác” – Đó là câu nói quen thuộc của chồng cô Hoa khi nhìn thấy khách vào quán. Nếu là khách lạ chắc chắn sẽ tỏ ra ngỡ ngàng với kiểu phục vụ cộc cằn này. Nhưng nếu là khách quen, mọi người thường chỉ nói một câu duy nhất, và giống nhau: “Con đợi được!”.
“Khách ở quán tới 80% đều là khách quen. Khách lạ đôi khi không đợi được hoặc phật ý về cách phục vụ chúng tôi cũng không giữ” – Chồng cô Hoa cho biết.
Nồi nước dùng thơm ngon là bí quyết gia truyền nhiều đời nhà cô Hoa, để tạo nên “thương hiệu” phở đặc trưng của Hà Nội.
Những khách lạ mới ghé ăn quán phở lần đầu thường ngỡ ngàng với kiểu phục vụ “cực gắt” ở đây. Chỉ cần hỏi những câu kiểu như: “Có phở chưa?” “Ở đây có cháo không?” hoặc “Đợi bao lâu thì có phở” rất có khả năng sẽ bị mắng xối xả, thậm chí bị đuổi đi quán khác. Nhiều khách hàng sau khi có chỗ ngồi phải ngồi im không dám hỏi gì.
Do đã có lượng khách quen nhất định và “đủ sống”, khách lạ tới đây ban đầu bị đối xử như “con ghẻ”. Vì vậy, muốn thưởng thức phở ngon, ngoài có tiền và thời gian chờ đợi đôi khi nhiều người cũng phải mang theo cả sự… kiên nhẫn.
Mỗi đêm, quán phở gánh của cô Hoa đón từ 150 – 200 lượt khách.
Do mở giữa đêm nên khách hàng tới ăn phở gánh thường là những người đi làm về muộn, các bạn trẻ đi chơi đêm. Thời gian thường không gấp nên đa số đều sẵn sàng được 2 – 3 tiếng chỉ để được ăn một bát phở yêu thích.
Từ 3 rưỡi đến khoảng 7 giờ sáng, quán phở gánh cô Hoa đón gần 150 lượt khách tại quán. Ngoài ra còn có khách gọi ship hoặc đặt hàng trên các trang thương mại điện tử.
Cô Hoa là người bán chính, ngoài ra có 2 người phục vụ. Gánh phở của cô chỉ vỏn vẹn 2 nồi nước dùng và một mâm thịt, nhưng lại là nguồn sống của cả gia đình và “chở” cả văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Hà thành.