Quản lý thị trường vàng: Một góc nhìn khác

Thời gian vừa qua, thị trường vàng là tâm điểm của dư luận về quản lý của NHNN. Bài viết này đóng góp thêm một góc nhìn về công tác quản lý thị trường vàng.

Thị trường vàng đang được người dân quan tâm
Thị trường vàng đang được người dân quan tâm
 
Nguy cơ bị "vàng hóa" là hiện hữu

Trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, hoạt động mua bán vàng miếng được thực hiện tại khoảng 12.000 doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng, dẫn đến tình trạng vàng miếng dần dần trở thành phương tiện thanh toán, khó quản lý. Trong nhiều thời kỳ, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng có hành vi làm giá, đầu cơ gây khan hiếm cung giả tạo, đồng thời tung tin đồn gây nên các “cơn sốt vàng” làm cho người dân đổ xô đi mua vàng.

Bên cạnh đó,  nhằm thu hút các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội,  năm 2000,  NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) có giấy phép hoạt động ngoại hối được huy động vốn bằng vàng. Với việc triển khai chính sách này, tính đến ngày 02/11/2012, số dư huy động vàng của các tổ chức tín dụng khoảng gần 97 tấn, tương đương khoảng 120 nghìn tỷ VND, chiếm khoảng 3% tổng phương tiện thanh toán (M2), đã giảm nhiều so với mức gần 6% vào cuối năm 2011. Như vậy, quy định cho phép huy động vốn bằng vàng đã cho phép vàng thực hiện một phần chức năng tiền tệ ở mức độ nhất định (có thể gọi là “vàng hóa” chính thức trong hệ thống ngân hàng).

Vàng gửi vào hệ thống ngân hàng, rồi được cho vay ra đã tham gia vào hệ số tạo tiền của các ngân hàng.  Mặc dù mấy năm gần đây, tập quán sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán song hành với đồng Việt Nam đã dần mất đi, vàng chủ yếu được sử dụng làm công cụ tích trữ, nhưng do nhu cầu tích trữ/gửi tiết kiệm vàng miếng của dân ngày càng tăng (một phần do kỳ vọng giá thế giới tăng, một phần do các TCTD vẫn huy động vàng). Việc đầu tư, đầu cơ có nguy cơ quá mức vào vàng đã gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế-xã hội, rủi ro cho người dân mua vàng/ người vay vàng, và các tổ chức kinh doanh vàng (trong đó có TCTD) khi giá vàng liên tục tăng cao.

Sự mất cân bằng cung cầu trong thời gian ngắn làm cho giá vàng trong nước có mức chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Để ổn định thị trường, NHNN phải cho phép nhập khẩu vàng, do vậy, ảnh hưởng lớn đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Năm 2011, để bình ổn giá, NHNN đã phải nhập khẩu 15 tấn vàng nguyên liệu với giá 50 triệu USD/tấn (tổng số ngoại tệ nhập khẩu vàng gần bằng nửa  kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2011 của Việt Nam). Dự trữ ngoại hối của quốc gia khó có khả năng liên tục năm nào cũng đi nhập khẩu vàng để bình ổn giá trong khi vàng không phải là mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời, khi giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, thường xuất hiện tình trạng nhập khẩu vàng lậu, sản xuất vàng miếng lậu, từ đó gây ảnh hưởng bất lợi tới thị trường ngoại tệ, tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Tình trạng thị trường vàng ở Việt Nam không hẳn giống như Ấn Độ và Trung Quốc-những quốc gia cũng có nhu cầu vàng rất cao nhưng chủ yếu là vàng trang sức và tích trữ đầu tư chứ không phải vàng miếng đem gửi vào ngân hàng lấy lãi và ngân hàng lại đem vàng của dân gửi đem cho vay như ở Việt Nam.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ vừa có thông báo chính thức trên website ngày 19/11/2012, yêu cầu các ngân hàng nước này không cho vay với mục đích mua vàng vật chất như trang sức, vàng xu, vàng thanh hay các sản phẩm tài chính có liên quan đến vàng như đầu tư vào quỹ tín thác. Đây chính là nguyên nhân mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lo ngại mức độ gia tăng “vàng hóa” trong nền kinh tế, và để ngăn chặn tình trạng trước khi quá muộn, cơ quan này tạm thời sử dụng một số công cụ hành chính để bình ổn thị trường. Có thể bước đi của tiến trình chống “vàng hóa” đang nhanh hơn sự chuyển biến tâm lý, nhận thức của người dân, nhưng mục tiêu bình ổn thị trường vàng của Nghị định 24 là đúng đắn và cần thiết.

Nghị định 24 không mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp

Gần đây một số ý kiến cho rằng một số nội dung Nghị định 24 mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, rằng Luật Doanh nghiệp công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của mọi loại hình doanh nghiệp, rằng đặc thù kinh doanh vàng miếng là không cần phải có sự khác biệt giữa doanh  nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ...

Tuy nhiên, những ý kiến này là chưa đầy đủ. Luật Doanh nghiệp cũng còn có những quy định về những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ công bố. Ví dụ, kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 6 tỷ đồng, dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ đồng... Nghị định 24 quy định hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Việc thị trường vàng Việt Nam đã từng có 12.000 doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ kinh doanh vàng miếng không có điều kiện kinh doanh là rất rủi ro cho người tiêu dùng và bản thân doanh nghiệp. Chính Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam trong tờ trình Chính phủ đầu năm 2011 cũng kiến nghị  nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng, nhằm góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Các điều kiện cụ thể được Hiệp hội kiến nghị áp dụng là doanh nghiệp phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, có mức vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ đồng và sổ thuế phải nộp trong 2 năm gần nhất trước khi cấp phép phải đạt từ 500 triệu đồng /năm trở lên.

Việc không cấp giấy phép cho các doanh nghiệp, cửa hàng nhỏ lẻ không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng là không trái với Luật Doanh nghiệp. Bản thân các doanh nghiệp, cửa hàng này nên chuyển sang hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ (nếu đủ điều kiện) hoặc chuyển các ngành, nghề khác, chứ không thể nói là việc không cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp, cửa hàng này đồng nghĩa với việc họ sẽ mất công ăn việc làm của lao động, và trở thành kinh doanh bất hợp pháp.

Ai hưởng giá chênh?

Phân tích về việc ai thiệt ai lợi trong việc chênh giá vàng có vẻ như đang giống chuyện lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Khi người dân và một số doanh nghiệp có tiền gửi ngân hàng được hưởng lãi suất cao (nhất là gửi ở các NHTM lách trần lãi suất huy động) thì  khách hàng vay cá nhân và nhiều doanh nghiệp khác phải đi vay ngân hàng với mức lãi suất cao. Nếu sòng phẳng ra thì chính người gửi tiền (trong đó có cả doanh nghiệp) cũng đã “góp phần” đẩy lãi suất cho vay cao.

Trong trường hợp này người gửi không kêu, người vay kêu. Tương tự như vậy ở thị trường vàng. Việc các TCTD vừa qua mua 60,1 tấn vàng (đương nhiên là phải theo giá thị trường) thì người lợi từ giá cao này là người có vàng (người dân và nhà đầu tư), người thiệt chủ yếu là các NHTM (đã chót bán vàng của người gửi trước đây), điển hình như NHTMCP Á Châu (ACB) lỗ 1.251 tỷ đồng từ kinh doanh vàng trong quý 3/2012. Lực mua từ ACB cùng với một số ngân hàng khác là một trong những nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước giữ mức chênh lệch cao so với giá thế giới trong đợt biến động vài tháng qua.

Việc người dân và một số nhà đầu tư đã bán cho ngân hàng 60,1 tấn vàng, các ngân hàng đã trả tiền trị giá khoảng 70.000 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 3,3 tỷ USD) cũng có nghĩa là số tiền này đã được đưa vào lưu thông/hoặc gửi lại ngân hàng. Việc cho rằng ngân hàng mua vàng rồi trả vàng cho người gửi đâu có thay đổi  tổng số vàng huy động cũng đúng, nhưng việc trả cho người gửi có thể dưới hai hình thức (vàng vật chất và giá trị tiền tương đương vàng). Điều này khác với việc một số chuyên gia nói rằng vàng vẫn là tài sản “chết” chưa cách nào huy động được.

Bình ổn thị trường không phải bình ổn giá

Đang có nhiều ý kiến đòi NHNN phải có trách nhiệm bình ổn giá vàng, điều này có cần thiết không và đó có phải là trách nhiệm của NHNN không ? cần phải xem luật.  Theo  Luật Giá  các quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ  thiết yếu cần thiết đến vai trò bình ổn của Nhà nước thì vàng không thuộc diện cần phải thực hiện bình ổn giá. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nhà nước thì khi giá vàng  có biến động bất thường; khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, NHNN phải có  các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng.

Nghị định 24 giao cho NHNN thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các hoạt động: xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức, quản lý sản xuất vàng miếng; mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước; huy động vàng…Vì vậy, nên đặt vấn đề đúng là NHNN có trách nhiệm bình ổn thị trường vàng chứ không phải bình ổn giá vàng. Hiện nay có ý kiến cho rằng việc chưa liên thông giá vàng trong nước với quốc tế là mâu thuẫn với Nghị quyết Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Về lâu dài thì giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng quốc tế, thu hẹp khoảng cách giữa giá trong nước và giá quốc tế ở mức độ hợp lý là mục tiêu hướng đến trong chính sách quản lý thị trường vàng của NHNN.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, muốn liên thông được phải xuất dự trữ  ngoại hối của Nhà nước ra để nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng miếng, giải pháp này trong điều kiện lượng dự trữ ngoại tệ còn mỏng như hiện nay là chưa phù hợp. Dự trữ ngoại hối còn để giành cho  những mục đích thiết yếu khác của quốc gia. Vì vậy, NHNN cần có các giải pháp khác để dần tiến tới cho giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, và những biện pháp này cũng cần có thời gian. 

Nguyễn Minh