Quản lý thị trường: Không buộc dán nhãn, không thể biết được táo, khoai Trung Quốc hay Việt Nam
(Dân trí) - Trước thực tế nhiều hàng hoá nông sản bị giả mạo, mập mờ xuất xứ, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường đã đề xuất sửa Nghị định 43 theo hướng yêu cầu buộc nông sản cũng phải dán nhãn xuất xứ.
Tại cuộc làm việc của Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu nhập diễn ra sáng nay (7/8), ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị lãnh đạo Bộ xem xét, kiến nghị sửa Nghị định 43 theo hướng yêu cầu buộc nông sản cũng phải dán nhãn xuất xứ.
Sở dĩ lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường đưa đề xuất này là do thực tế nhiều hàng hoá nông sản hiện nay bị lẫn lộn nguồn gốc xuất xứ rất nhiều.
Ông Linh chia sẻ, riêng ở chợ đầu mối nông sản Thủ Đức trung bình tới 80 tấn nông sản, trong đó có 20% nông sản nhập khẩu. Theo quy định hiện nay, hoa quả không buộc phải ghi nhãn xuất xứ. Điều này gây nên tình trạng lẫn lộn về xuất xứ rất nhiều.
Lãnh đạo quản lý thị trường ví dụ, New Zeanland khi xuất khẩu táo vào họ đều dán nhãn để bảo vệ thương hiệu. Nhưng nhiều nông sản nhập từ thị trường khác thì không như vậy.
“Cầm quả táo lên, không biết được táo Trung Quốc hay táo Việt Nam. Khi kiểm tra cà chua, khoai tây cũng vậy, không phân biệt được của Trung Quốc hay Đà Lạt (Việt Nam).
Nhiều khi táo, cà chua, khoai tây Trung Quốc nhưng bà con cứ bảo của Việt Nam. Do vậy dù khó nhưng chúng tôi vẫn kiến nghị theo hướng buộc nông sản cũng phải ghi nhãn”, ông Linh đề xuất.
Đặc biệt theo ông Linh, tình trạng lẫn lộn xuất xứ hàng hoá, trà trộn sản phẩm thường xuất hiện ở những hộ kinh doanh cá thể.
Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều hoa quả Trung Quốc có thể dễ dàng được dán nhãn hoặc được quảng cáo là hoa quả của bất kỳ thương hiệu nào, thậm chí là hoa quả nhập khẩu của bất kỳ quốc gia nào một cách tinh vi mà người tiêu dùng khó có thể nhận biết.
Trong khi hàng hoá nông sản nhập khẩu vào xuất hiện những bất cập về truy nguồn gốc xuất xứ thì ở chiều ngược lại, xuất khẩu mặt hàng này cũng gặp khó khăn.
Theo số liệu Cục Xuất nhập khẩu đưa ra, trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu giảm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê, sắn.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, có nhiều nguyên nhân làm xuất khẩu nông sản, thuỷ sản giảm như tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn kéo giá xuất khẩu giảm.
Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn. Trong khi tác động của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ đã ảnh hướng tới xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác.
“Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ - Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có không có đơn hàng mới, cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Đồng thời đồng nhân dân tệ yếu đi cũng làm hàng hoá nước ngoài đắt lên”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Thời gian tới, nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động thực vật, kiểm dịch an toàn chất lượng thì xuất khẩu nhóm hàng này khó có đột biến, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu.
Nguyễn Mạnh