1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Quản lý nợ công: Bộ Tài chính cũng để xảy ra hàng loạt sai sót

(Dân trí) - Báo cáo kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành cho thấy, hàng loạt thiếu sót của Bộ Tài chính.

Công tác điều hành, quản lý các khoản vay còn nhiều bất cập.
Công tác điều hành, quản lý các khoản vay còn nhiều bất cập.

Kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính chưa thực hiện Đề án xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin để phục vụ theo dõi giám sát và đánh giá bền vững về nợ công trình Thường trực Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2015. Trong khi đó, công tác điều hành, quản lý các khoản vay còn nhiều bất cập.

Cụ thể, Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn và chưa thực hiện các thủ tục ký hợp đồng nhận nợ đối với VEC theo ý kiến của Phó Thủ tướng, chưa ký xác nhận biên bản giữa cơ quan cho vay lại (tức Bộ Tài chính) và đơn vị vay lại (VDB). Trừ các khoản trái phiếu quốc tế 38.547 tỷ đồng (chưa đến hạn trả gốc), Bộ chưa đối chiếu thời điểm 31/12/2016 của 1 trong 33 chủ nợ là Iraq.

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại chưa cập nhật kịp thời số liệu rút vốn các năm trước, chưa điều chỉnh số liệu sau khi đối chiếu với chủ nợ, theo dõi và tổng hợp thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ số tiền 4.966 tỷ đồng. Còn một số khoản rút vốn chưa được ghi thu – ghi chi kịp thời, chẳng hạn dự án Nghi Sơn của nhà tài trợ JICA ghi thu – ghi chi thiếu 0,387 tỷ đồng.

Về quản lý các khoản cho vay lại, đến 31/12/2016, có 60 dự án chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) tương đương 10.556 tỷ đồng (chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại). Trong đó, dự án Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng; số nợ của các dự án còn lại là 2.376 tỷ đồng. Hầu hết các dự án được thực hiện trước năm 2010 do sử dụng vốn không hiệu quả, khó khăn trong việc trả nợ, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ.

3 dự án điển hình là dự án Dâu tằm tơ (dư nợ quá hạn 102 tỷ đồng, dự án không hiệu quả và không trả được nợ, dù Chính phủ cho phép giảm số tiền trả nợ gốc từ hơn 3 triệu euro xuống còn 2,5 triệu euro); dự án nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hà Nam (dư nợ quá hạn 22 tỷ đồng, dự án hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu để trả nợ); dự án máy nghiền sàng đá (dư nợ quá hạn 24 tỷ đồng, Chính phủ đã phải cho phép bán thanh lý tài sản để trả nợ vay).

Ngoài ra, còn có tình trạng dự án không được tính toán kỹ về tiến độ triển khai dẫn đến dự án đã được ký hiệp định vay với chính phủ nước ngoài nhưng không thực hiện giải ngân, vẫn phải trả khoản phí cam kết cho nhà tài trợ.

Về công tác điều hành, quản lý các khoản vay nợ được chính phủ bảo lãnh, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ nhiều chủ đầu tư không thực hiện nghiêm túc các quy định về công bố thông tin (theo Thông tư 81/2014) nhưng Bộ Tài chính chưa thực hiện xử lý.

Bộ Tài chính còn bị cho là chậm trễ trong thực hiện quản lý tài sản đảm bảo cho các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh theo quy định. Tính đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính mới chỉ ký được 09/54 (chiếm 16,7%) hợp đồng thế chấp tài sản. Ngoài ra, một số dự án không có khả năng trả, phải ứng vốn từ quỹ tích lũy để trả nợ nước ngoài, chuyển nợ quá hạn.

Đối với công tác điều hành, quản lý các khoản vay nợ chính quyền địa phương, Kiểm toán Nhà nước cho biết số liệu theo dõi nợ chính quyền địa phương tại Kho bạc Nhà nước của 46 tỉnh, thành chênh lệch 7.144 tỷ đồng so với số liệu theo dõi của cơ quan tài chính được Vụ ngân sách nhà nước tổng hợp lên Bản tin nợ công.

Về công tác quản lý, sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, Kiểm toán Nhà nước xác định hàng loạt tồn tại, gồm: số phải thu bảo lãnh năm 2016 là 711 tỷ đồng, bằng 173,8% kế hoạch (409 tỷ đồng); lập kế hoạch nhưng không chi tiết thu phí cho vay lại (số phải thu 2016 là 135 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đã thống kê, theo dõi nợ chính quyền địa phương, tuy nhiên công tác thống kê theo dõi chủ yếu dựa trên số liệu báo cáo cung cấp thông tin của địa phương, chưa có sự rà soát, đối chiếu thường xuyên giữa Bộ Tài chính và các địa phương.

Phương Dung

Quản lý nợ công: Bộ Tài chính cũng để xảy ra hàng loạt sai sót - 2