1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vụ cố ý sai phạm ở Cục Trồng trọt:

“Quản lý kiểu chợ trời và nhắm mắt ký liều”

(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam sau vụ việc Cục Trồng trọt bị cơ quan Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khui ra nhiều sai phạm nghiêm trọng về chỉ định 11 tổ chức, doanh nghiệp và phòng thí nghiệm không đạt chuẩn đứng ra cấp chứng nhận chất lượng phân bón.

Thưa ông, như Dân Trí đã đưa, ngày 28/4 cơ quan Thanh tra của Bộ NN&PTNT đã kết luận nhiều vi phạm của Cục Trồng trọt, trong số đó nhiều vi phạm thuộc cố ý sai phạm về chỉ định cơ sở không có chuyên môn, không đủ phương tiện đứng ra cấp chứng chỉ chứng nhận chất lượng phân bón, ông có bình luận gì về vấn đề này?

Chúng tôi lên án những sai phạm của Cục Trồng trọt, đây là hành vi tiếp tay cho gian thương làm bậy, buông lỏng quản lý Nhà nước. Thậm chí đây là hình thức quản lý theo kiểu chợ trời, bạ đâu làm đó. Vụ việc làm thiệt hại cho ngành phân bón rất lớn, gây hoang mang, làm người nông dân không tin vào sản phẩm, không tin vào cơ quan quản lý Nhà nước nữa.


Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Tại sao tôi nói là buông lỏng và quản lý theo kiểu chợ trời? Bởi vì sai phạm của Cục Trồng trọt là: Cố ý cấp cho 11 đơn vị quyền chứng nhận chất lượng phân bón (tức là thay Bộ) kiểm định phân bón ra thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các công ty này chỉ hoạt động một phần trong lĩnh vực phân bón, thậm chí có công ty không hoạt động trong lĩnh vực này cũng đi kiểm định phân bón. Tại sao có công ty cà phê đi chứng nhận chất lượng phân bón. Công ty khử trùng đi chứng nhận chất lượng phân bón?

Thứ hai là phòng kiểm nghiệm không có, thậm chí đi thuê, chưa đạt chuẩn cũng được cấp chứng nhận chất lượng phân bón. Anh không có chức năng và không có cả phương tiện mà cũng đòi đứng ra cấp chứng nhận cho người khác. Quá cẩu thả!

Nhà nước có những quy định về Nhà nước về quản lý cấp phép chứng nhận phân bón, cơ sở vật chất phân bón như Thông tư 32 của Bộ NN&PTNT, Thông tư 09 của Bộ KHCN, Nghị định 80 của Chính Phủ... về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và quy định về DN phân bón, sản phẩm phân bón... Tuy nhiên, không ai thực hiên quy định nên để xảy ra vi phạm trên.

Chúng tôi thấy vi phạm trong quy định lấy mẫu, lưu mẫu nghiêm trọng. Đúng luật, cơ quan được giao chứng nhận chất lượng phải xuống tận DN lấy mẫu, cơ quan Nhà nước phải xem xét mẫu lưu. Tuy nhiên, cán bộ lại yêu cầu DN phân bón mang mẫu đến, cơ quan chứng nhận không lưu mẫu. Đây là điều hết sức tồi tệ.

Mặc dù dư luận và nhiều nhà chuyên môn cho biết, phân bón giả đang hoành hành nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo cơ quan Thanh tra Bộ NN&PTNT, hiện chưa có thống kê về số lượng phân bón giả và không có phân bón giả, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Không có phân bón giả là không đúng, rất nhiều vụ việc phân bón giả đã bị phát hiện ở Thanh Hóa, ở một số tỉnh Tây Nguyên. Vụ việc sai phạm của Cục Trồng trọt dù chưa khẳng định 100% sai phạm này dẫn đến nạn phân bón giả tràn lan. Tuy nhiên, đây là hành vi, cơ hội béo bở cho các DN, cá nhân sản xuất, tiêu thụ phân bón giả. Quả bom nổ chậm ở đây chứ đâu, ngay ở cơ quan cao nhất của Bộ NNN&PTNT.

Qua sự việc này, tôi cho rằng chúng ta đã và đang giao trứng cho ác, giao hẳn cho tư nhân mà bỏ mặc trách nhiệm quản lý Nhà nước. Một khi Cục Trồng trọt cố ý sai phạm, nhắm mắt ký liều, chỉ định liều các cơ sở kiểm định chất lượng thì các cơ sở này còn thừa cơ làm bậy không biết như nào nữa, chắc họ cũng đóng dấu phân bón cho cả bột đá, bột si măng để bán cho người nông dân cũng nên. Chẳng ai lường trước được sự việc và hậu quả..

Sự việc sai phạm có tổ chức, hệ thống và cố tình sai phạm, theo ông tính chất của sự việc này là do đâu?

Tôi là người nắm rất rõ hoạt động của ngành phân bón, tôi hiểu là lợi ích của việc cấp phép này rất lớn. Một DN sản xuất phân bón sẽ được lợi rất lớn khi họ được đóng dấu hợp quy, kiểm định chất lượng ra thị trường. Một sản phẩm giả, được cấp chứng nhận chất lượng sẽ có giá bán thấp hơn từ 30% so với sản phẩm thật. Như thế DN chân chính chỉ có "chết" chứ sống sao được.

Vụ việc này sai phạm quá rõ ràng, kết luận đến 34 trang về sai phạm của Cục Trồng trọt từ năm 2010 đến nay. Rõ ràng đây là hành vi cố ý, có chủ đích của một số cá nhân, đơn vị. Nếu đổ lỗi cho yếu kém về tổ chức, con người, thì tôi phản đối bởi quy định tuyển dụng của cơ quan Nhà nước phải chặt, phải đúng chất lượng thì mới có những cán bộ quản lý được, chẳng nhẽ cứ vụ việc nào sai, làm ẩu lại đổ cho cá nhân không có trình độ.

Thứ hai là không thể đổ lỗi cho Nghị định 202 của Chính phủ vì hơn 90% các phân bón vô cơ thuôc quản lý Bộ Công Thương, còn Bộ NN&PTNT chỉ quản từ 10% phân bón hữu cơ, phân bón khác được. Cơ chế giao cho từng Bộ rồi, phải thực hiện, không đổ lỗi cho cơ chế.

Tôi cũng đã làm việc với Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) đề nghị bên Cục này lấy sự việc của Cục Trồng trọt, tiến hành kiểm tra hơn 90% phân bón vô cơ đi, chắc chắn sẽ phải làm nghiêm, làm chắc để lấy lại lòng dân.

Ông có nhắc đến lợi ích, vậy có hay không lợi ích nhóm trong việc sai phạm này và trách nhiệm của người đứng đầu ra sao? Phía Cục Trồng trọt đến nay chưa có phản hồi gì về vấn đề này, theo ông "im lặng" có phải là "vàng" trong lúc này khi mọi ánh mắt và dư luận đổ dồn về họ?

Tôi khẳng định, đây có lợi ích nhóm, còn nhóm nào, lợi ích gì thì chờ cơ quan công an vào cuộc. Vụ việc xảy ra nhiều năm và đến nay mới bị phát hiện và cho kết quả. Tôi hoàn toàn hoan nghênh tinh thần của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng và cơ quan Thanh tra vì đã đứng lên tuyên chiến với chính sai phạm trong đội ngũ của mình.

Về phía Cục Trồng trọt, theo quan điểm cá nhân tôi thì cục trưởng cũ đã nghỉ hưu, các cá nhân khác đều chuyển công tác, những chức vụ hiện nay đều là người mới do đó việc họ im lặng là có lý của họ. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ Cục Trồng trọt cần công khai, minh bạch trong xử lý cán bộ và thông tin đến người dân. Tôi nghĩ sau khi cơ quan công an vào cuộc, ai sai đến đâu, người đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí cả sai phạm có yếu tố hình sự về quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, nếu về hưu rồi cũng phải truy cứu, không thể ngồi hết ghế, gây hậu quả xong rồi về hưu rũ bỏ trách nhiệm được.

Vụ việc diễn ra từ năm 2010, đến nay sau gần 6 năm mới phát hiện ra, chừng ấy thời gian 11 DN được cấp chứng nhận chất lượng này đã "nhắm mắt" chứng nhận cho không biết bao sản phẩm không đạt chuẩn chất lượng, không đúng phẩm cấp ra thị trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)