Qua thời lừng lẫy, “nữ đại gia” Thuận Thảo định xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ nần?

(Dân trí) - Thừa nhận tình hình hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu các hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp chi phí lãi vay, khấu hao, lương… bà Võ Thị Thanh cho biết, bên cạnh kế hoạch bán tài sản trả nợ thì Thuận Thảo cũng sẽ cắt bỏ các mảng kinh doanh không hiệu quả gây gánh nặng tài chính cho công ty này.

400 đồng/1 cổ phiếu

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã chứng khoán: BID) mới đây lại tiếp tục thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá các khoản nợ của Công ty Cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân có liên quan. Tổng dư nợ gốc hơn 1.208 tỷ đồng và tổng dư nợ lãi (tạm tính đến 31/12/2017) là hơn 1.070 tỷ đồng tại BIDV.

4 tài sản đảm bảo cho các khoản nợ được rao bán với giá khởi điểm dự kiến là 845 tỷ đồng, bao gồm 5,2 triệu cổ phiếu CTCP Thuận Thảo thuộc sở hữu của bà Võ Thị Thanh và 3 bất động sản tại TPHCM.

Ba bất động sản này nằm tại các địa chỉ: 100B, đường Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1 (diện tích đất trên 275 m2 và diện tích sàn trên 212 m2); tại Khu phố 2, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, (16,6 ha đất); tại Khu phố 4, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, (5,4 ha đất).

Sai lầm về chiến lược đầu tư đã khiến nữ đại gia Phú Yên lừng lẫy một thời lâm vào nợ nần, thua lỗ
Sai lầm về chiến lược đầu tư đã khiến "nữ đại gia" Phú Yên lừng lẫy một thời lâm vào nợ nần, thua lỗ

Cổ phiếu GTT của Thuận Thảo hiện đang được giao dịch với mức giá rất rẻ, chỉ 400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, tính theo thị giá thì 5,2 triệu cổ phiếu GTT của bà Võ Thị Thanh chỉ có giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Ngày 16/5 vừa rồi, Thuận Thảo cuối cùng cũng đã triệu tập thành công phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 năm 2018 sau khi triệu tập lần 1 bất thành.

Cuộc họp này chỉ có vỏn vẹn… 10 người tham dự. Trong đó, tổng số cổ đông có mặt chính thức tham dự đại hội là 5 người và có 5 người được ủy quyền tham dự đại hội. 10 người này đại diện cho hơn 17,5 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, chiếm 40,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty, nhờ vậy, cuộc họp này vẫn đủ điều kiện được tiến hành hợp lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Báo cáo tại đại hội, bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này thừa nhận, năm 2017 tình hình hoạt động kinh doanh của Thuận Thảo gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu các hoạt động kinh doanh chính không đủ bù đắp các khoản chi phí như chi phí lãi vay, chi phí khấu hao, chi phí lương… Do đó, kết quả sản xuất kinh doanh đã không hoàn thành nhiệm vụ mà ĐHĐCĐ giao phó.

Trong năm vừa rồi, công ty này chỉ đạt chưa đầy 48 tỷ đồng doanh thu (bằng 40% kế hoạch) và tiếp tục ghi nhận lỗ gần 160 tỷ đồng (vượt gấp rưỡi kế hoạch lỗ cho phép).

Mới quý đầu đã lỗ… nửa kế hoạch

Nợ ngân hàng đến cuối năm 2017 còn 635,5 tỷ đồng nợ gốc và 610,9 tỷ đồng lãi vay. Hai chủ nợ lớn của Thuận Thảo là BIDV và VietinBank. Cả hai ngân hàng này đều đã khởi kiện Thuận Thảo ra tòa trong năm 2017 do công ty này chưa trả được nợ, yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ vay.

Các tài sản thế chấp này gồm có khu đất và công trình xây dựng tại Phú Yên, bến xe, khu du lịch Thuận Thảo Land, Trung tâm sinh thái Thuận Thảo, Sân khấu Sao Mai Thuận Thảo...

Để xử lý những khó khăn về tài chính, bà Võ Thị Thanh cho biết sẽ thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân, đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định… Đồng thời, tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh – liên kết để huy động nguồn vốn tiến hành tái cấu trúc tài chính.

Bà Thanh cũng cho biết, đang làm việc lại với các tổ chức tín dụng để xin giảm, miễn lãi suất cho vay và chi phí lãi vay phải trả của các năm trước. Ngoài ra, Thuận Thảo cũng có kế hoạch thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động trong năm 2018 như tăng giờ làm, tái cơ cấu lại bộ máy nhân sự.

Chủ tịch Thuận Thảo khẳng định sẽ cắt bỏ các mảng kinh doanh không hiệu quả gây gánh nặng tài chính cho công ty và ưu tiên các mảng kinh doanh đã có thương hiệu và là thế mạnh trong những năm qua.

Qua đó, bà kỳ vọng có thể giảm lỗ xuống còn 92,5 tỷ đồng trong năm 2018 dù doanh thu ước chỉ thực hiện được 60,1 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, mục tiêu này cũng không hẳn đã dễ dàng với doanh nghiệp của bà Thanh khi mà trong quý I vừa qua, Thuận Thảo lại lỗ tiếp 42 tỷ đồng, đưa lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2018 lên 1.122 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 675,4 tỷ đồng.​

Bích Diệp

Qua thời lừng lẫy, “nữ đại gia” Thuận Thảo định xoay xở ra sao trong vòng xoáy nợ nần? - 2