Quá thiếu lương thực, đồ dùng, dân Zimbabwe cứ thấy xếp hàng là “nhảy” vào
(Dân trí) - Mọi thứ đang trở nên khan hiếm ở Zimbabwe khiến người dân nơi đây cứ nhìn thấy có dòng người xếp hàng bên ngoài một cửa hàng thì sẽ ngay lập tức hòa nhập vào và không quan tâm mình sẽ mua được gì vì thứ gì họ cũng thiếu.
Việc các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước không thể trả tiền cho các lô hàng đang khiến người tiêu dùng ở quốc gia Nam Phi này phải đối mặt với tình trạng thiếu mọi thứ từ bánh mì đến thuốc men, xăng dầu và tiền mặt.
Machipisa, 29 tuổi, làm nghề sửa chữa điện thoại di động nói tại thủ đô Harare nói rằng: “Chúng tôi xếp hàng để mua dầu ăn, mua xăng và rút tiền ở ngân hàng. Nếu chúng tôi thấy một dãy người đang xếp hàng, chúng tôi sẽ gia nhập ngay vì có thể có một thứ gì đó chúng tôi đang chờ đợi được mua ở đầu kia”.
Zimbabwe đang trong cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi siêu lạm phát tàn phá nền kinh tế nước này một thập kỷ trước. Đó là một thất bại của Tổng thống Emmerson Mnangagwa, một năm sau khi ông lên nắm quyền và cam kết khôi phục tăng trưởng kinh tế đã bị kìm hãm nhiều năm bởi cách quản lý sai lầm dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Robert Mugabe.
Cụ thể, đất nước này đã xoáy sâu vào hỗn loạn kể từ khi ông Mugabe bắt đầu những vụ cướp đất dữ dội từ những người nông dân da trắng vào năm 2000. Trong khi đó, ông cũng tìm cách chuyển quyền kiểm soát các công ty của người da trắng sang cho người da đen ở Zimbabwe. Điều đó diễn ra cùng với một chế độ tiền tệ ngày càng phức tạp đã đẩy lùi các nhà đầu tư nước ngoài và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu ngoại hối.
“Không ai muốn mang tiền vào đất nước này”, ông John Legat, Giám đốc điều hành của Imara Asset Management khẳng định.
Điều đó đã góp phần làm tăng lạm phát lên 20,9% trong tháng 10, mức cao nhất kể từ thời kỳ siêu lạm phát trước đó. Giá trị của trái phiếu đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo Zim Bollar Index, một trang web địa phương.
Với việc chính phủ còn lại rất ít ngoại hối để thanh toán hàng nhập khẩu, một trong những thách thức lớn nhất mà người tiêu dùng phải đối mặt là đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu. Một số người lái xe đã xếp hàng chờ đợi trong 12 giờ đồng hồ vào tháng trước khi các trạm xăng dần cạn kiệt.
Sự thiếu hụt nhiên liệu sẽ kéo dài khi việc tạo ra ngoại tệ vẫn là một thách thức, theo ông Edd Eddington Mazambani, người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng nói với các nhà lập pháp tuần trước.
Theo Bloomberg, dầu mỏ là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Zimbabwe, với chi phí khoảng 100 triệu USD mỗi tháng. Lúa mì đứng thứ hai với khoảng 45 triệu USD mỗi quý, theo Hiệp hội Grain Millers ở Zimbabwe.
Tuần trước, National Food Holdings, công ty chế biến thực phẩm lớn nhất của Zimbabwe cho biết họ đã buộc phải đóng cửa các nhà máy chế biến lúa mì của mình vì không có tiền để trả cho các nhà cung cấp. Điều đó cho thấy nguy cơ thiếu bánh mì và các thực phẩm khác tại đất nước này.
Hồng Vân
Theo Bloomberg