Quá nhiều rủi ro cổ phiếu OTC

Cuối tuần qua, tại Công ty Chứng khoán RV đã xảy ra một vụ làm giả giấy tờ chuyển nhượng cổ phiếu của ngân hàng E với tổng số tiền 500 triệu đồng. Sau khi hoàn tất việc chuyển tiền, nạn nhân chỉ phát hiện vụ lừa đảo khi chuyển nhượng lại cho người khác.

“Sự việc trên chỉ là một phần rủi ro của việc đầu tư cổ phiếu OTC, vì thực tế còn khá nhiều rủi ro mà người mua cổ phiếu OTC phải gánh chịu” - nhà phân tích tài chính độc lập Lê Đạt Chí nhận xét.

Cũng theo ông Chí, hầu như không có kênh thông tin chính thống nào từ các doanh nghiệp chưa niêm yết đến với nhà đầu tư (NĐT) mà chủ yếu là trên diễn đàn, người mua, người bán tự tung hứng với nhau. Rất ít công ty chưa niêm yết thực hiện việc công khai sớm và đầy đủ thông tin, hoạt động kinh doanh trên trang web của mình.

Rất nhiều trường hợp NĐT có hàng ngàn cổ phiếu OTC trong tay mà không biết nhận cổ tức như thế nào, công ty làm ăn lời, lãi ra sao, thậm chí có người còn ôm tờ giấy tay cả hơn một năm qua.

Thời gian qua, rất nhiều công ty IPO phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong số đó, đến nay rất ít đơn vị niêm yết cổ phiếu. Như vậy, chính những NĐT “ôm” cổ phiếu này phải chịu thiệt vì thiếu tính thanh khoản.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, cho rằng thị trường OTC ế ẩm không chỉ do tính thanh khoản kém, thời gian chuyển nhượng lâu mà còn do khá phiền phức.

Đặc biệt là thông tin từ những đơn vị này đưa ra không được kiểm soát chặt chẽ. Không ít công ty đã tự thổi phồng, quảng bá mình quá mức với mục đích bán cổ phần để huy động vốn.

Nếu như trước đây, nhiều người không cần tiền cũng có thể kiếm lời từ việc sang tay cổ phiếu OTC, thì nay chỉ một vài mã có tính thanh khoản cao thuộc ngành tài chính - ngân hàng hoặc những mã chuẩn bị niêm yết mới được quan tâm, còn lại vẫn rất ế ẩm hoặc chỉ giao dịch cầm chừng.

Cách đây một năm, chị P., một người chuyên mua đi, bán lại cổ phiếu OTC của một số công ty quen thuộc, mỗi ngày có thể kiếm từ 15 - 20 triệu đồng từ tiền chênh lệch.

Thời điểm đó, chị rất phấn khởi, nhưng nay chị than: “Lỡ gom vào nhiều quá nên khi thị trường sụt giảm thì trở tay không kịp. Hiện tôi đang ôm mấy chục ngàn cổ phiếu các loại, tính ra hàng tỉ đồng mà bán ra chỉ được chừng một, hai trăm triệu đồng. Chỉ mong cổ phiếu tôi mua sớm lên sàn để có tính thanh khoản”. Thực tế cho thấy việc sàn OTC tập trung nhiều lần trễ hẹn đã phần nào gây bí đầu ra cho cổ phiếu OTC.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày 22/8, đã có trên 1.019 công ty đại chúng đăng ký với SSC. Công ty có vốn nhỏ nhất đến ngày đăng ký là 5 tỉ đồng và công ty có vốn đăng ký lớn nhất là 5.730 tỉ đồng.

Mới đây, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch SSC, cho biết SSC đang cùng Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chuẩn bị để tổ chức thị trường OTC chính thức vào quý IV năm nay. Bước đầu, SSC sẽ chọn một số doanh nghiệp tốt để đưa lên trước, sau đó dần dần tăng lượng “hàng” cho NĐT.

Ông Hùng cho biết khi thị trường OTC chính thức hoạt động, khối lượng cũng như giá trị giao dịch sẽ tăng đáng kể, góp phần tạo tính thanh khoản tốt, thu hút NĐT.

Theo Sơn Nhung
Báo Người lao động