Quá nhiều rào cản đối với thương mại dịch vụ
(Dân trí) - Báo cáo "Thiết kế chiến lược xuất khẩu dịch vụ quốc gia" (Dự án VIE 61/94 - Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển xuất khẩu) cho thấy có rất nhiều rào cản đối với sự phát triển của ngành thương mại dịch vụ. Thiếu vắng chiến lược xuất nhập khẩu dịch vụ, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hiện nay chỉ tập trung vào xuất khẩu hàng hoá...
Năng lực dồi dào
Xuất khẩu dịch vụ có vai trò quan trọng trong khả năng cạnh tranh và phát triển của Việt Nam. Hiện nước ta có các loại hình dịch vụ được nằm trong nhóm ưu tiên phát triển trong chiến lược xuất khẩu dịch vụ quốc gia: dịch vụ phần mềm và máy tính, dịch vụ pháp lí, dịch vụ tư vấn, dịch vụ công trình, dịch vụ kiến trúc, dịch vụ vận chuyển hàng hoá và các dịch vụ về nghiên cứu và phát triển.
Những dịch vụ này đều được các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá cao về khả năng cạnh tranh về các mặt giá cả, chất lượng và tính linh hoạt. Bên cạnh đó, những dịch vụ này cũng đáp ứng được những điều kiện cơ bản của một ngành dịch vụ trọng điểm như có một hiệp hội ngành hoạt động có hiệu quả, liên kết hỗ trợ kĩ thuật tốt, sẵn sàng về nguồn nhân lực và có nhu cầu lớn trên thị trường khu vực và nội địa.
Hầu hết các khách hàng dịch vụ nước ngoài đánh giá cao giá cả cạnh tranh của phần lớn dịch vụ do các công ty của Việt Nam cung cấp và xem giá cả thấp là một điểm mạnh của các công ty dịch vụ Việt Nam.
Đặc biệt là với các công ty tư nhân được đánh giá là có sức cạnh tranh mạnh nhất do các công ty này có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về dịch vụ với mức giá hợp lý. Trong khi đó, với mức giá của các công ty Việt Nam đưa ra, các công ty nhà nước hoặc các công ty nước ngoài khó có thể thực hiện được.
Việc phát triển các ngành dịch vụ ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước và hầu hết các công ty dịch vụ của nước ta, đặc biệt trong khu vực tư nhân, đều có quy mô khá nhỏ và mới được thành lập.
Thông thường, các công ty thành công nhất do những người trẻ tuổi và được đào tạo bài bản, nhiều người trong số họ đã du học ở nước ngoài hoặc đã có kinh nghiệm làm việc với người nước ngoài. Những công ty này chủ yếu tuyển dụng những người trẻ tuổi và được đào tạo tốt. Do đó, đội ngũ cán bộ của các công ty này có khả năng học hỏi và thích ứng khá nhanh với lĩnh vực mới mẻ luôn đổi mới này.
Bên cạnh đó, các công ty dịch vụ ở Việt Nam đều có đội ngũ nhân lực có chuyên môn, cán bộ của họ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và có thể nâng cao khả năng chuyên môn thông qua các hoạt động đào tạo và trên thực tế công việc...
Vẫn còn nhiều rào cản
Các công ty kinh doanh dịch vụ xuất khẩu Việt Nam hiện đang cung cấp cho khách hàng nước ngoài trên 60 loại hình dịch vụ khác nhau. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dịch vụ tư nhân đã phải xuất khẩu để tồn tại bởi thị trường trong nước vẫn do các doanh nghiệp nhà nước chi phối.
Theo lí giải của bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia tư vấn của dự án, sở dĩ có hiện tượng trên vì: Một trong những nhận thức sai lệch rất phổ biến là Việt Nam hiện không phải là một nước xuất khẩu dịch vụ có hiệu quả và ngay cả các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hiện nay cũng chỉ tập trung xúc tiến xuất khẩu hàng hoá.
Chính quy mô vừa và nhỏ của các doanh nghiệp việt Nam cũng là một trong những đe doạ lớn khi nước ta gia nhập WTO. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì hệ thống pháp lý của nước ta nhìn chung vẫn thiếu sự minh bạch, tính trách nhiệm, sự nhất quán và tính dự báo- những điều này đã làm tăng thêm chi phí trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa hệ thống hành chính quá phức tạp, gây phiền hà và tốn thời gian. Vẫn còn sự phân biệt đối xử với khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực và còn mất nhiều thời gian để có được một sân chơi bình đẳng cho họ...
Theo ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập (Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TW), thương mại dịch vụ là một trong những ngành kinh tế tạo nên giá trị gia tăng rất cao. Dịch vụ cũng như một bộ phận trong quản lý chuỗi cung ứng sản xuất và mạng sản xuất kinh doanh trong chuỗi dịch vụ toàn cầu nhằm cải thiện cán cân vẵng lai.
Vì vậy, Việt Nam cần phá bỏ rào cản bên trong nền kinh tế đất nước, tạo nên cách thức mở cửa, tự do hoá trong nước và ngoài nước. Đầu tư phát triển ngành dịch vụ truyền thống sẵn có của đất nước là một trong những cách thức để phát triển ngành nghề vốn nhiều thế mạnh này.
Nguyễn Hiền