1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Qua cầu rút ván!

Không ít doanh nghiệp “trải thảm đỏ” để lôi kéo người lao động, sau đó lại thất hứa, quỵt quyền lợi, vắt chanh bỏ vỏ.

“Lấy lý do khó khăn, ban giám đốc luôn tìm cách né tránh thực hiện các thỏa thuận đã cam kết với chúng tôi. Bức xúc vì bị lừa, một số công nhân (CN) đã bỏ việc, chấp nhận mất trắng quyền lợi”. Chị P.T.T.K, làm việc tại Công ty V.T.A (100% vốn nước ngoài, huyện Bình Chánh - TPHCM), bức xúc cho biết.

 

Vắt chanh bỏ vỏ

 

Tháng 10/2012, chị K. cùng gần 100 CN khác rời chỗ làm cũ đã gắn bó hơn chục năm để đến một doanh nghiệp (DN) mới vì được hứa hẹn trả lương cao và nhiều chế độ phúc lợi như phụ cấp đi lại, nhà trọ, tay nghề... Thế nhưng, chỉ được 2 tháng đầu, từ tháng thứ 3 trở đi, lãnh đạo công ty trở mặt.

 

Đầu tiên là trì hoãn ký hợp đồng lao động với lý do sản xuất chưa ổn định. Kế tiếp, lấy lý do chị K. và một số đồng nghiệp hưởng lương cao, phòng nhân sự “thuyết phục” chị và mọi người chấp nhận giảm lương để “bảo đảm mặt bằng lương chung” nhưng họ không đồng ý.

 

Công nhân Công ty Tín Nhiệm Vina quận 12 - TPHCM ngừng việc vì công ty thất hứa.
Công nhân Công ty Tín Nhiệm Vina quận 12 - TPHCM ngừng việc vì công ty thất hứa.

 

Sau đó, công ty hạ đơn giá sản phẩm; đến thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu, công ty cắt luôn các khoản phụ cấp. Đầu tháng 5/2013, bị o ép mãi, chị K. và các đồng nghiệp “dọa” nghỉ việc, kiện công ty ra tòa. Ngay lập tức, vị giám đốc người Hàn Quốc thách thức: “Cứ kiện thoải mái”.

 

Tương tự là trường hợp của một nhóm CN vận hành lò hơi cho một DN tại huyện Hóc Môn - TPHCM. Tháng 3/2013, bị một DN khác chèo kéo với mức lương hơn 25 triệu đồng/tháng, anh N.H xin nghỉ việc để sang nơi làm việc mới với chức danh “Trưởng phòng kỹ thuật, sản xuất và đào tạo thợ trẻ”. Kết quả là chỉ sau một thời gian giúp công ty đào tạo được lứa thợ giỏi, anh H. đã bị cho nghỉ việc.

 

Gieo mầm bất ổn

 

Hứa hẹn trả lương cao, phúc lợi nhiều để “chèo kéo” lao động có tay nghề của DN khác là cách mà  nhiều DN đã làm. Tuy nhiên, do nhiều lý do, sau khi đã tuyển được lao động, DN không thực hiện cam kết, né tránh thực hiện các nghĩa vụ khiến người lao động (NLĐ) bất mãn.

 

Mặt khác, việc này còn dẫn đến hậu quả là tạo nên sự so đo, xào xáo trong nội bộ NLĐ vì những người gắn bó lâu năm không được đãi ngộ trong khi người mới tuyển lại được ưu đãi.

 

Diễn biến một số vụ ngừng việc vừa xảy ra tại các công ty ở TPHCM như công ty D.A (quận Thủ Đức), J.S (quận 12), B&D (huyện Hóc Môn)...  có nguyên nhân từ việc DN “treo đầu dê, bán thịt chó” và tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” của NLĐ.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Lê Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc nhân sự Công ty Chế biến Thực phẩm Hòa Bình (quận 11 - TPHCM), cho rằng hành xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” là lợi bất cập hại. Điều này làm tăng nguy cơ tranh chấp, quan hệ lao động đổ vỡ.

 

Cũng theo ông Lê Nguyễn Tuấn Anh, NLĐ phải biết tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu thật kỹ môi trường, mức lương và khả năng thực hiện các cam kết của người sử dụng lao động ở DN mới. Nếu phát hiện DN “trở quẻ”, phải chủ động thông tin cho Công đoàn cơ sở (nếu có) tại DN hoặc nhờ Công đoàn cấp trên (nơi DN trú đóng) can thiệp, bảo vệ quyền lợi.

 

 “DN chỉ có thể phát triển ổn định khi có chính sách lương bổng, phúc lợi căn cơ, thực tâm coi NLĐ là vốn quý, cần đãi ngộ lâu dài” - ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty VRG Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), khẳng định.

 

Theo Khánh Lê

NLĐ