PVC và Vinaconex - PVC trấn an nhà đầu tư về vụ án Trịnh Xuân Thanh
(Dân trí) - Sau thông tin 5 lãnh đạo PVC thời kỳ 2011-2013 đồng loạt bị bắt giữ, cổ phiếu của PVC và Vinaconex-PVC tiếp tục rơi vào vùng đáy đã khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình nhằm trấn an nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm nay (20/9), cổ phiếu PVX của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) hồi phục lên 2.200 đồng/cổ phiếu sau hai phiên giảm liên tục trước đó. Mặc dù vậy, thị giá của PVX thời điểm hiện tại vẫn chỉ bằng 8,1% so với hồi tháng 8/2009 khi mã này mới niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX).
Trong khi đó, mã PVV của CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC "cầm máu" ở mức giá 1.500 đồng/cổ phiếu sau khi giảm sàn hai phiên liên tiếp. So với mức giá 39.900 đồng/cổ phiếu thời điểm mới niêm yết hồi tháng 9/2010, thị giá PVV đã "bốc hơi" hơn 96%.
PVC và PVV từng là những cổ phiếu "hot" mang thương hiệu "dầu khí" đình đám một thời. Người lao động tại những đơn vị này cho biết, việc được ưu đãi mua cổ phiếu "nhà" những năm 2010-2011 với mức mệnh giá 10.000 đồng là may mắn không phải ai cũng có. Cổ phiếu PVX, PVV thời bấy giờ là một tài sản đáng giá. Thế nhưng nay, mức giá của các cổ phiếu trên không đủ để mua một cốc trà đá!
Ngày hôm nay, PVC cho biết, ngày 19/9, tổng công ty đã nhận được công văn của Sở giao dịch chứng khoán Nhà nước yêu cầu PVC giải trình và xác định ảnh hưởng của thông tin lãnh đạo và một loạt nguyên lãnh đạo bị bắt tạm giam đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, ngày 15/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại PVC và các đơn vị thành viên.
Trong các ngày 15/9 và 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra quyết định khởi tố 5 bị can gồm Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC và ra lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với 5 cá nhân nêu trên.
Tại công văn giải trình, PVC cho biết, vụ khởi tố vụ án trên liên quan đến thua lỗ của tổng công ty này giai đoạn 2011-2013. Tuy nhiên, từ năm 2014, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên và người lao động, đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty PVC vẫn diễn ra bình thường và bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Cụ thể, năm 2014, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PVC đạt 10,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 52,5 tỷ đồng. Năm 2015, con số trên lần lượt là 22,7 tỷ đồng và 136,7 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, PVC lãi hợp nhất 148,4 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lãi 178,7 tỷ đồng.
PVC khẳng định, hiện tại, tổng công ty này vẫn đang tiếp tục triển khai công tác tái cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt, tập trung thu hồi công nợ, hoàn nhập trích lập dự phòng, đảm bảo kinh doanh ổn định và đời sống cho trên 4.000 lao động trong tổng công ty.
Cùng ngày, PVV cũng gửi giải trình lên UBCKNN theo yêu cầu, trong đó khẳng định "hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục diễn ra bình thường" sau vụ việc ông Trương Quốc Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này bị khởi tố và bắt tạm giam.
Hiện tại, Hội đồng quản trị PVV đã họp và thống nhất để ông Phan Đình Phong - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị tạm thời điều hành thay vị trí ông Trương Quốc Dũng, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong thời gian kiện toàn lại bộ máy tổ chức.
"Tất cả các hợp đồng, dự án, hoạt động kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng bởi thông tin trên", văn bản của PVV cho hay.
Ông Trương Quốc Dũng được biết đến là một trong những lãnh đạo trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Năm 2007, tức sau 3 năm kể từ khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế và làm chuyên viên tại Ban Dự án Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), ông Dũng đã trở thành Tổng giám đốc của PVV khi mới chỉ 25 tuổi.
Bước sang tuổi 27, ông Dũng tham gia Hội đồng quản trị PVV và nhanh chóng nắm giữ cương vị Chủ tịch công ty này vào năm 2011 ở tuổi 29. Cùng lúc, "lãnh đạo 8x" này còn là Phó Tổng giám đốc của PVC, đến năm 2013 thì ông Dũng từ nhiệm vị trí này.
Dưới thời ông Dũng lãnh đạo, PVV kinh doanh sa sút thảm hại. Từ một công ty có doanh thu 722 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 20 tỷ đồng năm 2010, sau khi ông Dũng "cầm cương" đến cuối quý 2/2016, PVV ghi nhận lỗ lũy kế 145 tỷ đồng; tổng nguồn vốn 1.391 tỷ đồng, nhưng có tới gần 1.200 tỷ đồng là vốn vay.
Trước khi bị bắt 1 ngày, ông Trương Quốc Dũng cũng đã có đơn từ nhiệm và được Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) chấp thuận thôi chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty này kể từ 14/9. Lý do được đưa ra là "do phải tập trung cho đơn vị hiện đang công tác, không có đủ thời gian tham gia Hội đồng quản trị của PSI".
Tuy nhiên, việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông Dũng tại PVV mới chỉ được đưa ra ngày 19/6, tức sau khi ông Dũng đã bị bắt tạm giam.
Bích Diệp