PV Power tổ chức roadshow: Trả lời nhiều câu hỏi khó từ các nhà đầu tư
(Dân trí) - Chiều nay (16/1), tại buổi roadshow tại Hà Nội để chuẩn bị cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với sự tham gia của khoảng 500 nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) đã trả lời nhiều câu hỏi khó về tiềm năng, năng lực của doanh nghiệp này.
PV Power được cho là có cấu trúc tài chính an toàn
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt- đơn vị tư vấn IPO cho PV Power, trong 5 tổng công ty phát điện hiện nay thì PVPower có cấu trúc tài chính an toàn với tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu khoảng 60/40, nghĩa là có 2 đồng doanh nghiệp đi vay 3 đồng, trong khi các doanh nghiệp khác cùng ngành tỷ lệ này là 70/30, thậm chí 90/10 (có một đồng vay 10 đồng).
"Lợi nhuận doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng nhờ giảm khấu hao và lãi vay trong 3 năm tới. Mỗi năm PVPower trả khoảng 6.000 tỷ đồng nợ gốc trên tổng số gần 26.000 tỷ dư nợ tại thời điểm cuối tháng 12/2017. Dòng tiền trả nợ gốc hàng năm lớn sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí tài chính trong các năm tiếp theo", đơn vị tư vấn đánh giá.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cùng với việc 2 Nhà máy nhiệt điện khí Cà Mau 1 và 2 sẽ hết khấu hao vào năm 2019, giúp doanh nghiệp này tiết kiệm chi phí 500 tỷ đồng.
"Các hợp đồng cung ứng điện dài hạn cả đời dự án trong khi dòng tiền trả nợ gốc hàng năm cao khiến chi phí lãi vay giảm mạnh qua từng năm, và một số nhà máy hết khấu hao trong 2 năm nữa sẽ giúp doanh nghiệp này có mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan”, Chứng khoán Bảo Việt cũng đưa ra phân tích.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, tiềm năng tăng trưởng doanh nghiệp này sẽ tăng thêm 10.000 tỷ đồng sau 8 năm nữa, lên mức gần 40.000 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng trưởng gần 16% khi các dự án điện đi vào vận hành ổn định, tăng gấp đôi lên mức trên 4.300 tỷ đồng vào năm 2019.
PVPower hiện đang sở hữu 8 công ty điện với tổng công suất 4.208 MW, tổng mức đầu tư các dự án trên 69.000 tỷ đồng, trong đó thuỷ điện chiếm 7,3%, nhiệt điện than 28,5% và khí 64,2%.Với dòng tiền 8.000 tỷ đồng mỗi năm doanh nghiệp có thể tự cân đối vốn, đầu tư Nhơn Trạch 3 và 4 mà không phải đi vay.
PV Power chỉ còn một khoản nợ xấu rất thấp ở Oceanbank: 17 tỷ đồng
Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư về việc xác định cổ đông chiến lược, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVPower, hiện nay, theo quy định Nghị định 59 của Chính phủ, một doanh nghiệp chỉ được có tối đa 3 cổ đông chiến lược, nhưng theo Nghị định 126 có hiệu lực 1/1/2018, Chính phủ không còn quy định số lượng cổ đông chiến lược, quan trọng là bán hết tỷ lệ cổ phần phê duyệt.
Đại diện một nhà đầu tư cũng nêu câu hỏi: Vì sao PV Power lại có chiến lược thoái hết vốn ở năng lượng tái tạo để đầu tư vào nhiệt điện, đi ngược lại xu hướng hiện nay? Ông Hồ Công Kỳ khẳng định: Thông tin này hoàn toàn chính xác và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đây.
"Cuối năm 2017, Hội đồng thành viên PV Power đã trình phương án điều chỉnh, trước mắt chỉ thoái tại Nhà máy thủy điện Hủa Na, Đărink 51%. Trường hợp Bộ Công Thương và PVN giao PVPower làm chủ đầu tư các dự án điện khí thì sẽ báo cáo thoái thấp hơn mức 51%. Chúng tôi đang trình PVN điều chỉnh", ông Kỳ cho biết.
Trả lời bổ sung cho câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho biết: Điện khí hiện nay không được đặt trong diện công nghệ ô nhiễm. PVN đã phê duyệt lộ trình mới trong thoái vốn thuỷ điện. Nhưng tới đây, chính ĐHĐCĐ sẽ là người quyết định thoái gì, đầu tư gì.
Đáng chú ý, trả lời một câu hỏi từ nhà đầu tư: PV Power có tiền nợ xấu gửi ở OceanBank, nếu có là bao nhiêu?, ông Hồ Công Kỳ cho biết: Nếu xét về công nợ PVPower là DN có tình hình tài chính lành mạnh.
"Không phải PV Power không có nợ xấu nhưng rất thấp. DN có khoản tiền gửi tại OceanBank, đến nay vẫn đang bị phong toả theo quy định của NHNN, rất thấp khoảng 17 tỷ đồng, thấp trên vốn điều lệ 23.418 tỷ đồng. PV Power vẫn được nhận tất cả khoản lãi theo quy định. Khoản tiền này được giải toả hay không sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi tại OceanBank", ông Kỳ nói.
Trả lời câu hỏi về mối quan hệ của PV Power và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2- một dự án đang có nhiều rắc rối, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho biết, hiện nay, tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đang có vụ việc mà cơ quan chức năng phải xem xét, xử lý. VPPower được giao làm chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện TB2 từ những ngày đầu tiên vào năm 2008, nhưng đến năm 2011, PVN thu quyền chủ đầu tư về và PV Power hiện không quản lý dự án này.
Hà Anh