1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

PR Chính phủ trong cơn biến động giá

Những biến động bất thường của giá cả gần đây khiến nhiều người lo ngại rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô khó mà thực hiện đúng kế hoạch. Sự biến động giá cả cho thấy vai trò của Chính phủ trong truyền thông chiến lược (một dạng quan hệ công chúng - PR) cần phải được nâng cao hơn nữa.

Lạm phát: chẳng biết thế nào

Trả lời câu hỏi của báo giới về dự báo lạm phát, ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, đã nói “mong phóng viên thông cảm”. Còn ông Trần Đình Thiên, Giáo sư kinh tế thuộc Viện Kinh tế VN, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, thở dài: “Chẳng biết thế nào”.

Những biến động bất thường của giá cả gần đây khiến nhiều người lo ngại rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô khó mà thực hiện đúng kế hoạch.

Theo ông Ngô Trí Long, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kế hoạch thị trường giá cả (Bộ Tài chính), lạm phát đến mức nào tùy thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế. Thông thường khi thị trường phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, thì sự chủ động càng hạn chế. Song, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn được quyết định bởi trình độ năng lực, công nghệ, hiệu quả của nền kinh tế nước đó.

“Ở nhiều nước, mặc dù cũng chịu tác động của giá thế giới, nhưng chỉ số lạm phát của họ chỉ ở mức 2-3%. Trong khi ở nước ta chỉ số lạm phát rất cao, điều này cho thấy hiệu quả nền kinh tế, hiệu quả sản xuất, khả năng cạnh tranh của ta còn rất thấp”, ông Long nhận định.

Cũng bởi năng lực của nền kinh tế không thể cải thiện ngay nên ông Thiên lo ngại về những bong bóng (nhà đất, chứng khoán, đôla Mỹ, vàng) hiện đang ám ảnh thị trường mà phần nhiều sinh ra bởi tác động của giá cả. “Những suy đoán trên cơ sở kinh tế thông thường hiện không còn đủ và đúng. Nếu có những nguy cơ bùng phát, hậu quả sẽ khiến cả Nhà nước và người dân bị tổn thất”, ông Thiên lo ngại.

“Can thiệp kiểu của chúng ta khi vào WTO sẽ phải bỏ hết nhưng tạm thời thì Chính phủ vẫn cố giữ để hỗ trợ doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã từng nói. “Và điều đó trong nền kinh tế thị trường rất nguy hiểm. Nó có thể khiến nền kinh tế mất ổn định. Biến động giá cả thời gian qua đã gián tiếp nói với Chính phủ không nên nén giá thêm nữa”, ông Thiên nhận xét.

Chính phủ và truyền thông

Nhiều chuyên gia cho rằng chuyện nhiều người đổ xô đi mua vàng, mua chứng khoán, rồi lại đổ xô bán chứng khoán, mua Đôla Mỹ khiến thị trường liên tục chao đảo cho thấy nền kinh tế đang quá thiếu các kênh đầu tư dành cho người dân. Nhưng để tạo ra các kênh đầu tư mới cần có thời gian.

Do đó, thay vì luôn nói rằng thị trường của ta sẽ được điều hành ổn định, Nhà nước nên giải thích cho người dân hiểu cần làm gì trước những cơn bão giá cả và điều đó ảnh hưởng ra sao đến họ. Cách làm đó sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đối phó tình thế hoặc đơn thuần trấn an.

Làm tốt truyền thông chiến lược, Chính phủ sẽ giảm thiểu được rủi ro kinh tế chính trị và huy động được sự ủng hộ của công chúng.

Tiến sĩ Dejan Vercic, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, cho rằng các chiến dịch truyền thông cũng giống như những cuộc thảo luận giữa những nhóm người khác nhau để tìm tiếng nói chung. Với một Chính phủ, cần chọn cho mình các thông điệp và kênh để chuyển tải thông điệp hữu hiệu.

“Nền tảng dân chủ là dựa trên thông tin, trên sự quảng bá công khai, cho nên cần có thêm những cuộc đối thoại thực sự. Người lãnh đạo cần đặt ra câu hỏi, có phải mình chỉ muốn áp đặt ý chí của mình lên công chúng hay là có một cách hợp tác để cả hai bên cùng nhau phát triển những kiểu hành vi mới”, ông Vercic nói.

Tiến sĩ Cecilia Cabaíero Verzosa, làm việc ở Ban Truyền thông Phát triển của Ngân hàng Thế giới, thì cho rằng truyền thông nửa vời sẽ khiến báo chí đăng tải những thông tin không chính xác và gây hiểu nhầm. Vì vậy, Chính phủ nên xác định sẽ cung cấp bằng chứng gì, những thông tin đáng tin cậy nào để đối tượng đi đến kết luận rằng “điều này là tin được”.

Cần làm sao để công chúng hiểu rằng lãnh đạo muốn nói: “Tôi tin rằng điều này quan trọng; và đúng, tôi sẽ thay đổi hành vi theo cách này bởi vì khi tôi làm như vậy, sẽ có lợi cho tôi, cho con tôi, cho đất nước và cộng đồng”.

Trong cơn biến động giá, khi ngay cả chuyên gia và quan chức nhà nước còn lúng túng hay khác nhau trong nhận định thì vai trò truyền thông chính thức của Nhà nước càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm