"Phụ nữ Việt luôn mong có nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp để khởi nghiệp"
(Dân trí) - Theo chị Lê Quỳnh Trang, nhiều phụ nữ yếu thế khởi nghiệp để sinh tồn, và với họ, những khoản cho vay 5-10 triệu đồng có thể mang tới sự hỗ trợ quan trọng để giúp start up thành công.
Nhiều phụ nữ khởi nghiệp để sinh tồn
Chia sẻ trong tọa đàm "Vượt rào cản vốn và kiến thức, doanh nghiệp nữ chủ cất cánh", chị Lê Quỳnh Trang, Giám đốc truyền thông F88, cho biết cùng với nhu cầu vay vốn ngày càng cao, các nguồn vay cũng ngày càng đa dạng và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, mỗi hình thức cho vay có ưu và nhược điểm khác nhau, càng vay dễ càng tiềm ẩn rủi ro cao. Phụ nữ cần tìm hiểu rõ về từng nguồn vay, xem nguồn nào đáp ứng đúng nhu cầu, từ đó có những lựa chọn phù hợp.
Với nhóm phụ nữ yếu thế, họ ưu tiên nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp để có thể dễ dàng trả nợ bởi bản tính là những người hay lo xa. Do đó, phụ nữ thường chọn các nguồn an toàn, uy tín, tin cậy như bạn bè, người thân hay một số quỹ cho vay phi Chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn này thường hữu hạn và không dễ tìm, chưa kể phải đáp ứng một số điều kiện đặc biệt.
"Ngân hàng sẽ là nguồn ưu tiên lựa chọn thứ 2 vì là chuỗi hệ thống chính thống, lãi suất vừa phải. Nhưng để vay vốn ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về hồ sơ vay, với các hạng mục chứng minh nhân thân, khả năng tài chính, mục tiêu vay và khả năng trả nợ.
Trong trường hợp không thể tiếp cận 2 nguồn trên, phụ nữ có thể tìm đến những kênh cho vay mới như công ty tài chính tiêu dùng, tài chính vi mô, chuỗi cho vay như F88 (chuỗi cửa hàng tiện ích tài chính, cho vay bằng thế chấp tài sản, cầm cố) và các hình thức cho vay trực tuyến, app cho vay hoặc các đơn vị trực tiếp đứng ra cho vay", chị Trang chia sẻ.
Chị Lê Quỳnh Trang dẫn chứng nhiều khách hàng của F88 là phụ nữ. Họ khởi nghiệp để sinh tồn, với nhu cầu vay chỉ 5-10 triệu đồng. "Một chị ở Kon Tum bán đồ ăn đêm, một chị ở Bến Tre bán thạch dừa, một chị ở Hà Nội có sạp bán mực nướng - câu chuyện của họ có điểm chung là đều xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi con nhỏ, đơn thân, nuôi bố mẹ già mà thu nhập trước đó không đủ nuôi sống gia đình.
Họ phải tìm mọi cách để sinh tồn và khởi nghiệp, nhưng ban đầu lại thiếu vốn để nhập hàng. Họ không có những mối quan hệ để hỗ trợ về nguyên liệu, dụng cụ bán hàng. Họ đến F88 chỉ với một vài giấy tờ đơn giản và vay được những nguồn vốn ngắn hạn, linh hoạt, từ đó, giải quyết được bài toán trước mắt là buôn bán qua ngày, sau đó mở rộng kinh doanh và gặt hái thành công", chị Trang kể.
Lỗ hổng về kiến thức kinh doanh có thể khiến phụ nữ trả giá bằng cả tinh thần và vật chất
Trước câu hỏi về việc "lỗ hổng về kiến thức kinh doanh khiến những chủ doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và phụ nữ nói riêng chịu thiệt hại ra sao?", chị Lê Hằng - founder (người sáng lập) GymHaus - khẳng định những bước đi "liều" mà không có nền móng về con người, tài chính, thương hiệu và sản phẩm dịch vụ cốt lõi không vững có thể sẽ khiến chủ doanh nghiệp chịu thiệt hại về cả vật chất lẫn tinh thần.
Theo chị Lê Hằng, một số trụ cột kiến thức kinh doanh phụ nữ cần nắm được là kỹ năng bán hàng, marketing, hiểu sản phẩm cốt lõi, quản lý dòng tiền và vận hành hoạt động hiệu quả. Với các trụ cột này, start up cần phải có ít nhất một thứ bản thân nắm chắc thì mới nên bắt tay vào kinh doanh. "Nhất định phải có tìm hiểu, đào sâu về kiến thức ngành, tìm ra được thế mạnh khác biệt về truyền thông và sản phẩm, bởi nếu chỉ cạnh tranh bằng giá, chúng ta sẽ thua ngay khi vừa bắt đầu", chị Hằng bổ sung.
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, founder Bánh chưng Nương Bắc - Nguyễn Hoài - cho rằng sự thiếu hiểu biết có thể khiến phụ nữ khởi nghiệp lo sợ và e ngại vay vốn.
"Tôi có nỗi sợ của việc vay mượn. Tôi nghĩ nhiều phụ nữ ở đây có cùng nỗi sợ vô hình như mình, sợ bị lừa, sợ không trả được. Nỗi sợ ngày đó lớn quá khiến tôi không dám đi vay, và vì thế, cơ hội kinh doanh của Nương Bắc chậm hơn", chị kể.
Nữ doanh nhân này cũng khuyên phụ nữ khi vay vốn khởi nghiệp nên chọn đơn vị không chỉ cho vay tiền mà còn có thể hợp tác và hỗ trợ mình. Ngoài ra, khi cân nhắc vay vốn, người vay cần chuẩn bị tâm thế cho trường hợp kinh doanh thuận lợi cũng như khó khăn, để tự tin khi gọi vốn.
Chị Lê Quỳnh Trang cũng đưa ra quan điểm phụ nữ kinh doanh nên học thêm các khóa quản lý tài chính cá nhân, công cụ nền tảng, app quản lý tài chính và có những khoản dự phòng tài chính phù hợp, tránh việc hụt đầu hụt đuôi rồi phải vay thêm, bù vào.
"F88 trong năm 2023 và 2024 có cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức phi Chính phủ như ADI, các quỹ tư vấn…, hướng đến bình đẳng giới và quyền ưu tiên cho phụ nữ. Để ưu tiên cho phụ nữ, F88 cũng tích cực trong các hoạt động nội bộ hay chính sách cho cộng đồng và cho phụ nữ. Hiện tại, nắm bắt được nhu cầu của khách hàng F88, đặc biệt là phụ nữ kinh doanh siêu nhỏ, để đáp ứng nhu cầu xoay vòng vốn, F88 cũng thiết kế những gói vay cho phụ nữ tự doanh với phí ưu đãi", chị Trang nói thêm.
Chân thành và bản năng có thể giúp phụ nữ marketing thành công
Kinh doanh trong ngành thực phẩm, ngành có thể xem là "biển đỏ" vì mức độ cạnh tranh rất lớn, chị Nguyễn Hoài chia sẻ góc nhìn rất khác của mình về marketing theo "bản năng của phụ nữ". Theo chị Hoài, marketing tốt nhất là khiến khách hàng và đối tác có cảm tình khi nghĩ về sản phẩm và người chủ doanh nghiệp.
"Lúc đó tôi nghĩ xem làm thế nào mới cảm thấy quý mến một ai đó, một thương hiệu, một sản phẩm nào đó? Ở đó chắc chắn phải có sự chân thành, sự rõ ràng, sự duy mỹ… Điều tôi đúc kết với nhân viên của mình là 'không ai từ chối một người chân thành cả'. Bạn có thể không giỏi ăn nói, có thể không đẹp xuất sắc nhưng bạn có được sự chân thành thì sẽ luôn có được cảm tình.
Nếu các bạn không có kiến thức về xây dựng thương hiệu cũng không sao cả, bởi đó là một quá trình mà bạn sẽ phải làm với tất cả tâm huyết và chỉn chu từng thứ một. Nương Bắc đang làm truyền thông không chuyên nghiệp mà bản năng, nhưng hiện tại vẫn hiệu quả", chị Nguyễn Hoài cho hay.
Khẳng định doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào con số lợi nhuận, chị Lê Hằng đưa ra lời khuyên với các start up là xem xét thời gian hoàn vốn, xem doanh nghiệp đó có đang tự vận hành được không hay người chủ vẫn đang phải làm tất cả mọi thứ.
"Nếu bạn không có kỹ năng để giúp tạo ra một hệ thống, truyền cảm hứng, động lực và quản trị cơ bản để mọi người chủ động làm nhiệm vụ của mình thì lúc đó chưa thể gọi là thành công", chị Lê Hằng chia sẻ.