Phớt lờ giá xăng, hàng hoá tháng Tết vẫn đồng loạt "leo thang"

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê vừa công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2016 (rơi đúng vào dịp Tết nguyên đán) tăng 0,42% so với tháng trước và tăng 1,27% so với cùng kỳ năm ngoái.


Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 2/2016 tăng do hiệu ứng của chi tiêu dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016

Chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 2/2016 tăng do hiệu ứng của chi tiêu dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016

Do là tháng Tết nên hầu hết các nhóm mặt hàng đều tăng mạnh, trong đó có đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình. Chính sự tăng giá của các mặt hàng này khiến CPI tháng 2/2016 tăng hơn so với nhiều tháng trước.

Cụ thể, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,98% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 0,66%, thực phẩm tăng 2,45% và ăn uống ngoài gia đình tăng 1,45%.

Đáng chú ý, giá rau xanh trước và sau tết có giá rất cao, giá tăng gấp từ 2 - 3 lần so với ngày thường và tháng trước đó. Đây là mặt hàng được người dân cho biết là có sự tăng giá mạnh nhất so với các mặt hàng thực phẩm khác. Sau rau xanh tăng giá kỷ lục, giá thịt lợn, thịt bò, gia cầm và thủy sản cũng có xu hướng tăng mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tổng cục Thống kê khẳng định: sau Tết Nguyên đán và dư âm của các đợt rét đậm, rét hại vẫn còn nên sau tết giá các mặt hàng thực phẩm đang trong xu hướng tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2016 và những tháng tiếp theo.

Nhóm hàng ăn ngoài gia đình tăng hơn 1% so với tháng 12/2015 và tháng 1/2016. Điều này được lý giải do năm nay nghỉ tết dài nên lượng người dân tranh thủ đi du xuân, gặp gỡ bạn bè tăng cao.

Giá cả của các mặt hàng đồ uống, thuốc lá cũng được hỗ trợ bởi giá Tết khi tăng 1,15% so với tháng trước đó. Các hàng hóa dịch vụ như giày dép, may mặc, y tế cũng tăng 0,45% do ảnh hưởng thời tiết rét đậm, rét hại, mua sắm tết. Nhóm Y tế tăng 1,73% so với các tháng trước đó.

Tuy vậy, một số nhóm hàng bất ngờ giảm mạnh, trong đó có giao thông giảm 3,96% so với tháng 1/2016 do hai đợt giảm giá xăng hơn 2.200 đồng nên dù lượng phương tiện giao thông trong dịp tết có tăng nhưng chi cho giao thông của người dân tương đối thấp. Các nhóm mặt hàng như giá gas, dầu hỏa cũng liên tục sụt giảm khiến nhóm vật liệu xây dựng, hàng nhà ở cũng giảm 0,41% so với tháng trước.

Trước đó, Cục Thống kê Hà Nội và Tp HCM cũng đưa ra chỉ số giá tiêu dùng của hai thành phố lớn này trong tháng 2/2016, theo đó, CPI Hà Nội tăng 0,47% so tháng trước và tăng 1,73% so cùng kỳ. CPI ở TP.HCM thậm chí chỉ nhích rất nhẹ 0,05% so tháng trước và tăng 0,72% so với cùng kỳ.

Nguyễn Tuyền

Phớt lờ giá xăng, hàng hoá tháng Tết vẫn đồng loạt "leo thang" - 2