1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Phòng vệ thương mại: Có “khiên, giáp” mà không biết dùng

(Dân trí) - Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới từ lâu, nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu hết về công cụ phòng vệ thương mại hay nói cách khác là có "khiên", có "giáp" nhưng không biết dùng.

Đó là nhận định của T.S Nguyễn Thu Trang , GĐ Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội thảo về “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài” diễn ra sáng 14/10 tại Hà Nội.

Theo thống kê của VCCI, tính đến tháng 10/2015, có tổng cộng 94 vụ kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, kiện tự vệ đối với hàng hóa và DN Việt Nam ở thị trường nước ngoài, trong đó có 46 vụ Việt Nam thua kiện và chịu áp đặt của nước nhập khẩu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mặc dù có nhiều vụ làm giả hàng hóa, bán phá giá hàng nước ngoài tại Việt Nam nhưng hiện ta chỉ có 4 vụ kiện và số vụ thành công là 2.

Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu chủ động trong phòng vệ thương mại
Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu chủ động trong phòng vệ thương mại

Nguyên nhân được chỉ ra là do doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu hết về công cụ phòng vệ thương mại hay nói cách khác là có "khiên", có "giáp" nhưng không biết dùng.

Thực tế, theo số liệu của Hội đồng Tư vấn Phòng vệ thương mại (PVTM)  thuộc VCCI thực hiện từ cuối năm 2014 với hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) cho thấy: Khoảng 60 - 70% các DN được hỏi đã biết về công cụ PVTM nhưng chưa áp dụng và sử dụng. Thậm chí, có gần 1/3 các DN được hỏi cho biết: có tồn tại hiện tượng hàng hóa nước ngoài bán sang Việt Nam với giá thậm chí còn rẻ hơn bán tại thị trường nước họ, song không biết bắt đầu khởi kiện, lấy thông tin từ đâu và nhờ ai…

“Số vụ DN, hàng Việt Nam bị kiện và thua kiện cao hơn nhiều lần so với số vụ DN nước ngoài bị kiện và thua kiện tại Việt Nam nói lên thực tế là DN Việt Nam vẫn chưa quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; hoặc kém trong việc tìm hiểu luật của các nước, ít thông tin, không có năng lực tài chính để theo đuổi các vụ kiện, thuê luật sư, trọng tài quốc tế để phục vụ vụ kiện của mình”, bà Trang cho hay.

Cũng theo kết quả điều tra, có tới 86% số DN cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này. Chỉ có 2% cho rằng sẽ chi phí tài chính không có vấn đề gì lớn.

Đánh giá về điều này, T.S Thu Trang cho rằng, PVTM không phải là “cuộc chơi” của mỗi DN riêng lẻ, mà là “cuộc chơi tập thể”. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều DN vừa sản xuất, lại vừa nhập khẩu nên khi đứng lên kiện sẽ động chạm đến lợi ích cục bộ của DN, khiến nhiều DN chỉ hô hào mà không hành động, đùn đẩy cho DN khác.

“Dường như các DN Việt Nam hiện chưa có bất kỳ chuẩn bị vật chất cũng như tâm lý đoàn kết, đồng hành sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ kiện PVTM khi cần thiết. Trước khi khởi kiện, DN cần phải tập hợp những bằng chứng bán phá giá, bán hàng được trợ cấp, bằng chứng về những thiệt hại gây ra đối với mình, thuê luật sư tư vấn theo kiện… Đây là những yêu cầu cốt yếu cho mọi nguyên đơn trong các vụ kiện PVTM. Những công việc này đòi hỏi phải có chi phí lớn vì vậy nếu không có sử chuẩn bị về nguồn lực, hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM sẽ rất hạn chế”, bà Trang khẳng định.

Nguyễn Tuyền

Phòng vệ thương mại: Có “khiên, giáp”  mà không biết dùng - 2