1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu

An Chi

(Dân trí) - Không biển hiệu, không quảng cáo, thậm chí là nằm nép mình trong ngôi nhà cũ trên phố Hàng Quạt (Hà Nội), nhưng 40 năm qua, cửa hàng bán khuôn bánh trung thu của ông Quang lúc nào cũng đông khách.

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu

Nằm nép mình trong ngôi nhà cũ kỹ trên phố Hàng Quạt (Hà Nội), cửa hàng bán khuôn bánh bằng gỗ của ông Quang vẫn náo nhiệt lạ kỳ. Lạ ở chỗ, người bán không mời chào khách mà khách tự tìm đến, tự mua, tự chọn và tự trả tiền. 

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu - 1

Cửa hàng bán khuôn gỗ duy nhất ở phố cổ Hà Nội

"Bao năm qua, tôi vẫn miệt mài làm khuôn, chỉ một loại duy nhất là khuôn gỗ. Ở đây không treo biển, không quảng cáo, cũng chẳng có danh thiếp hay logo. Bởi người tìm đến đây, họ tự định vị được giá trị của vật phẩm cần tìm và muốn sở hữu" - ông tâm sự.

Đồng nghĩa với việc, mọi khuôn bánh ở cửa hàng ông Quang đều không có giá chung. Bởi ông cho rằng, chiếc khuôn đáng quý phải phụ thuộc vào tần suất hoạt động khuôn và chất lượng bánh ra lò.

"Tôi bán khuôn nhưng suy cho cùng là bán cần câu cơm cho khách. Bán khuôn tốt thì họ mới bán được nhiều sản phẩm. Ăn nên làm ra họ mới tìm về và mua đồ tiếp, chứ bán thứ dở ai còn quay lại" - ông hóm hỉnh nói.

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu - 2

40 năm qua, ông Quang chỉ bán duy nhất một thứ là khuôn gỗ

Theo ông Quang, bí quyết khiến khuôn gỗ sống tốt, đánh bật khuôn nhựa giữa thời buổi hiện đại phải ở chữ tín. Tín từ việc gỗ làm ra sản phẩm phải là dòng tốt nhất để khi đổ khuôn bánh không bị méo, vỡ, lệch. Thứ hai, muốn cạnh tranh thì người thợ không được phép cho mình nhàn mà phải bắt kịp thời cuộc.

Bởi ông cho rằng: "Việc khách đến nhà, bày tỏ tâm ý ra sao mình phải lắng nghe để biết họ mong muốn gì ở sản phẩm. Gỗ hay vật liệu gì cũng thế, thứ gì cũng có ưu, có nhược nên việc thay đổi để thích ứng là cần thiết. Vì bền thôi chưa đủ mà cần đẹp nữa".

Hơn nữa, ông Quang còn hay tự nhận rằng mình hay "mắng khách". Mắng ở đây là tranh luận tới cùng, khuyên khách trong việc lựa sản phẩm. Bởi tùy thuộc vào tay nghề thợ non hay chuyên mà ông sẽ đưa ra gợi ý dùng loại khuôn nào là phù hợp nhất.

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu - 3

Ông Quang trao đổi với khách về các dòng khuôn bánh độc đáo

Nói về chuyện làm khuôn bánh bằng gỗ, ông Quang cho rằng, nhiều người nói ông là kinh doanh lỗi thời, bởi hiện giờ nhiều khách quay sang chọn khuôn nhựa, vật liệu hiện đại. Nhưng ông thấy, sự lỗi thời hay không nằm ở tư duy người sản xuất chứ không phải đồ vật. Nếu biết thổi hồn vào sản phẩm thì 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm sau vật vẫn là vô giá.

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu - 4

Những đường nét tinh xảo, điệu nghệ trên chiếc khuôn gỗ bánh trung thu

"40 năm tôi vẫn ở đây, bán duy nhất một sản phẩm, vẫn tồn tại, chứng tỏ tôi không sai lầm. Ngoài việc kinh doanh, tôi còn muốn giữ lại những nét xưa cũ, truyền thống. Bởi tôi tin rằng, khuôn gỗ có một điểm hay hơn tất cả. Là cùng một mô hình nhưng đường vân, độ nông sâu tạo cho mỗi chiếc khuôn những nét riêng biệt" - ông kể.

Phong cách bán hàng lạ kỳ của người thợ Hà thành đúc khuôn bánh trung thu - 5

Căn tường mốc, cũ mèm được treo đầy "báu vật" của mọi thợ bánh

Lật giở từng trang sổ ghi tên khách, ông Quang tâm sự, hàng năm, cứ vào dịp Trung thu là các hiệu bánh lớn nhỏ ở Hà Nội đều đến tìm ông để đặt hàng. Mỗi tiệm lại đưa ra một đề bài khó nhưng tất cả đều được lý giải bởi người thợ tài ba. 

Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, những chiếc khuôn bánh trung thu bằng gỗ của ông Quang hiện còn chu du ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó phải kể đến là Trung Quốc, ông vua của nghề điêu khắc truyền thống.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm