Phố Wall quảng bá thương hiệu qua World Cup

(Dân trí) - Đối với một ngân hàng đầu tư hàng đầu như cả Goldman Sachs, JP Morgan và UBS, việc đưa ra dự báo cho kỳ World Cup sắp tới là một dịp quảng bá thương hiệu tốt.

Phố Wall quảng bá thương hiệu qua World Cup - 1
Hình ảnh về World Cup 2010.
 
Nhưng họ dự báo… dở tệ, tuân theo một cách mù quáng lịch sử quá dài của World Cup mà chẳng buồn quan tâm tới những thay đổi to lớn của bóng đá trong thập kỷ vừa qua

Goldman Sachs chỉ ra rằng trong 19 kỳ World Cup tới nay, 3 nước Brazil, Italy và Đức đã thắng tới 12 kỳ.

Uruguay đăng quang hai lần vào giai đoạn đầu còn Argentina lên ngôi hai lần vào các năm 1979 và 1986. Anh và Pháp vô địch một lần. Và trận chung kết nào cũng phải có ít nhất một trong bốn cái tên Brazil, Italy, Đức và Argentina.

Tuy vậy những ai chịu khó theo dõi thể thao lại chọn Tây Ban Nha là đội mạnh nhất Châu Âu. Đội hình của họ ba năm trở lại đây không thiếu tài năng ở mọi vị trí.

Các tuyển thủ Tây Ban Nha đóng vai trò nòng cốt trong các câu lạc bộ Anh và Tây Ban Nha làm mưa làm gió Champion’s League suốt 5 năm trở lại đây. Bộ khung đội tuyển và huấn luyện viên hiện nay rất ăn ý và năm kia họ đã vô địch Euro.

Không có chi tiết nào trong số đó gây ấn tượng được với các chuyên gia tại UBS, họ gạt Tây Ban Nha ra vì lý do lịch sử. “Tây Ban Nha được nhiều người yêu thích nhưng có khả năng sẽ không thi đấu tốt và bị loại trước vòng bán kết”.

Những phân tích số liệu như thế bỏ qua tác động sâu sắc của toàn cầu hóa tới bóng đá trong suốt thập kỷ vừa qua.

Không còn có chuyện bốn năm một lần các cầu thủ từ các lục địa khác nhau mới được đối đầu trong kỳ World Cup. Ngày nay, phần lớn các cầu thủ ngôi sao từ tất cả 32 quốc gia tham dự World Cup đều chơi hàng tuần tại các giải chuyên nghiệp tại Châu Âu.

Dòng cầu thủ và huấn luyện viên di trú giữa các quốc gia kể từ thập niên 90 đã làm biến đổi sâu sắc cán cân quyền lực trong bóng đá.

Các đội tuyển Châu Phi đã vươn lên trở thành những đối thủ đáng gờm, trong khi đó ở nội bộ châu Âu, cầu thủ tài năng tìm tới các giải đấu mạnh như Anh, Tây Ban Nha và Italy đã có tác động tích cực tới số lượng đội tuyển quốc gia mà họ thi đấu trong kỳ World Cup.

Đội tuyển Anh có nhiều cơ hội vô địch còn vì họ được dẫn dắt bởi một người Italia tài năng, Fabio Capello.

Nhiều người cho rằng Brazil sẽ chiến thằng không chỉ vì họ chơi thứ bóng đá rực lửa của những “vũ công samba” mà còn vì họ còn chơi cả thứ bóng đá phòng thủ chặt chẽ đã mang lại thành công cho không ít đội tuyển.

Vốn chỉ quen dự đoán những xu hướng toàn cầu nên cái nhìn của giới ngân hàng khá lạc hậu, thậm chí còn quá ưu ái cho châu Âu.

Ví dụ như dự báo của Goldman Sachs cho rằng Thụy Sỹ sẽ bất ngờ chiến thắng Chile và Honduras, hay giả định Đan Mạch sẽ xếp trên Cameroon và Slovakia chặn đứng Paraquay chẳng hạn.

Sự ưu ái này lên tới mức hài hước trong dự báo của Goldman về Bồ Đào Nha trong đó hành trình của đội tuyển nước này tại Nam Phi được liên tưởng tới hành trình của những nhà thám hiểm đã mở ra thời kỳ thực dân cho Bồ Đào Nha trong thế kỷ 15.

Bài viết ca ngợi bốn trong số các ngôi sao Bồ Đào Nha với hy vọng rằng “những Pepe, Nani, Simao và Deco tài năng” cũng sẽ “can trường [như những nhà thám hiểm] để làm rạng danh nước nhà như 500 năm về trước”.

Mặc dù Pepe và Deco chơi cho Bồ Đào Nha, thực chất họ là người Brazil, còn Nani đến từ Cabo Verde; tổ tiên của họ có lẽ chẳng thích thú gì với sự “vĩ đại” của thực dân Bồ Đào Nha.

Dù vậy, Goldman còn hơn các ngân hàng khác ở chỗ ít ra họ cũng đã cố gắng đưa ra được dự báo cho từng đội, dù chất lượng không đồng đều. Một số dự báo hoàn toàn được viết bởi những nhà phân tích vốn chỉ tập trung vào cổ phiếu, trái phiếu hay tiền tệ thay vì bóng đá.

Mặt khác, cũng có những bài viết sắc bén về triển vọng của các đội Cameroon, Bờ Biển Ngà, Anh, Đức và Pháp cũng như cái nhìn tuyệt vời về đội tuyển Italy. Không giống đại đa số fan bên ngoài Bắc Triều Tiên, hiểu biết của Goldman về nền bóng đá của quốc gia ẩn dật này cũng tạm chấp nhận được.

Họ cũng trình bày một phân tích chiến thuật xuất sắc về sự phát triển của chiến thuật “chủ động giữ bóng” của Tây Ban Nha do cựu tuyển thủ Angel Ubide chấp bút.

Goldman cũng đưa ra một số dự báo ba phải hơn như: Nam Phi xếp nhì bảng sau Pháp, Serbia hoặc Úc dành quyền vào vòng 2 còn Ghana bị loại; Thụy Sỹ đánh bại Chile và Honduras để vào vòng loại trực tiếp; Mexico thua Nigeria.

Các ngân hàng đầu tư lớn ở phố Wall đều khá khôn ngoan khi không dự báo tới tận trận chung kết: họ cho rằng Anh, Argentina, Brazil và Tây Ban Nha sẽ vào tới bán kết.

Mặt khác, JP Morgan đưa ra một mô hình toán xem xét tới thành tích quá khứ, thứ hạng trên bảng tổng sắp của FIFA và các chỉ tiêu thống kê khác theo phương pháp mà họ gọi là “nghiên cứu định lượng”, quả là một công trình quá phức tạp cho một fan bóng đá bình thường.

Không đưa ra những kết quả chi tiết nhưng Morgan đảm bảo rằng chạy số liệu cho thấy Anh sẽ đánh bại Tây Ban Nha ở bán kết còn Hà Lan xếp thứ ba.

Về phần mình, UBS đưa ra dự báo đúng mực hơn rằng Brazil sẽ vô địch. Nhưng quan điểm của họ cho rằng Nam Phi sẽ là đội tuyển châu Phi duy nhất có mặt tai vòng 16 đội lại đáng ngờ vì Ghana và Cameroon có nhiều cơ hội vượt qua vòng bảng hơn.

Minh Tuấn
Theo Time